Hàng loạt quan chức Trung Quốc bị điều tra hối lộ
Theo đó, số quan chức bị điều tra trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 tăng 12,7% so với năm ngoái - số liệu từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho hay. Trong số này, 75,9% bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ; số còn lại đang trong quá trình điều tra vì lơ là bổn phận.
Các lĩnh vực bị điều tra nhiều nhất là xây dựng, công trình, đường sắt, vận tải, tài chính và bất động sản - Song Hansong- người đứng đầu bộ phận phòng, chống tham nhũng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết. "Quyền hạn, tiền bạc đang được tập trung hóa mạnh mẽ trong những lĩnh vực này" - ông Hansong nói.
Cũng theo ông Hansong, các công tố viên còn phát hiện có sự gia tăng các quan chức nhận hối lộ chạy ra nước ngoài, sau khi đã chuyển hết tài sản của mình tới nước khác. Mặc dù không cung cấp chi tiết, song ông Hansong nói rằng những quan chức này thường tiến hành một số bước đi tương tự nhau.
Bước đầu tiên là họ cho các thành viên gia đình nhập cư ở nước ngoài để làm ăn kinh doanh hoặc học tập. Sau đó họ chuyển tài sản bằng cách ''rửa tiền'', sử dụng các tài khoản ngân hàng ngầm, đầu tư bất hợp pháp hoặc chờ cơ hội để bản thân được đi.
Ông Hansong lấy dẫn chứng một trường hợp cụ thể trong tháng 6.2006: Zhou Jinhou- cựu Giám đốc hành chính Sở Công Thương tỉnh Phúc Kiến- dính líu vào vụ tham ô 16 tỉ USD, đã trốn sang Mỹ và hiện vẫn đang chui lủi ở đó.
Các tài liệu từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy, Zhou đã giúp những người hối lộ mình trong quá trình đấu thầu dự án, cũng như tạo điều kiện cho họ hưởng quyền sử dụng đất từ năm 2003-2006. Vợ ông này xin được thẻ xanh vào Mỹ năm 2006.
Một trường hợp khác hồi tháng 4, ông Wang Guoqiang- cựu Bí thư Thành ủy thành phố Phòng Thành, tỉnh Liêu Ninh- đã cùng vợ bỏ sang Mỹ sau khi đã chuyển số tài sản trị giá 200 triệu nhân dân tệ. Báo chí cho biết, con gái ông Wang học ở Mỹ và ông này xin được hộ chiếu cùng thị thực để dự lễ tốt nghiệp của con.
Ông Hansong cho hay, tỉ lệ tội phạm liên quan đến hối lộ đang ngày càng gia tăng, được che đậy bằng mọi hình thức có thể mà nhìn thoáng qua, người ta tưởng là những giao dịch hợp pháp.
"Hối lộ thường được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như phí tư vấn, đầu tư, cổ phần, cổ tức hoặc tài trợ cho con em học ở nước ngoài" - ông Hansong nói và bổ sung rằng, những người nhận hối lộ không chỉ tìm cách vòi tiền mà còn muốn đổi đời nhanh chóng.
Với những thiệt hại to lớn mà những tội phạm gây ra cho xã hội, giới chức Trung Quốc đã nỗ lực để đối phó tệ nạn này, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà các vấn đề sinh kế đang "nóng" như phá dỡ nhà ở, an sinh xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Kể từ năm ngoái, các nhà điều tra khắp Trung Quốc đã kiểm tra và đánh giá 1.207 chương trình xây dựng lớn để đảm bảo quét sạch tham nhũng. Năm nay, một hệ thống toàn quốc nhằm theo dõi tội phạm hối lộ đã được thiết lập. Các cá nhân, công ty có tiền sử đưa hối lộ có thể bị loại khỏi đấu thầu hoặc bị từ chối tham gia các dự án trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Hansong nhấn mạnh rằng, những tội phạm này bắt rễ sâu trong hệ thống quản lý xã hội. "Mô hình quản lý xã hội lỗi thời và chế độ tập trung quyền lực đã tạo cơ hội cho các quan chức lạm dụng quyền hạn của mình. Biện pháp cơ bản là phải thay đổi sâu sắc về hành chính, chính trị, kinh tế nhằm hạn chế quyền lực và thắt chặt giám sát đối với quan chức".
Ông Hanson cũng cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sẽ làm việc với quốc hội để đẩy mạnh Luật Phòng, chống tham nhũng.
Giáo sư Hong Daode của Đại học Khoa học chính trị và Luật học Trung Quốc cũng đề nghị đẩy mạnh luật công khai tài sản. Hiện các quan chức từ cấp quận trở lên được yêu cầu khai báo tài sản cho các tổ chức đảng cấp trên, song thông tin này không được công khai.
Hồng Lĩnh (Theo Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo