Hàng loạt vụ nghi bắt cóc, đánh người vì hội chứng đám đông?
Liên quan đến vụ việc hai phụ nữ bán tăm bị đánh oan vì nghi đi bắt cóc trẻ em xảy ra vào trưa 22/7 tại khu 1, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, thông tin từ Công an huyện Sóc Sơn cho biết, danh tính hai người được xác định là L.T.B (40 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) và N.T.P (52 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội), theo tin tức trên báo Sức khỏe & Đời sống.
Cả hai đều là thành viên của Hợp tác xã tình thương (HTX) huyện Mỹ Đức, đến xã Mai Đình để bán tăm gây quỹ tình thương. Khi đến thôn Thái Phù, thấy cháu Đ.H.A (5 tuổi), hai người gọi cháu thì bị hiểu lầm là bắt cóc và bị người dân đuổi theo, đánh đập, khiến hai người bị thương.
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Công an huyện Sóc Sơn đã kịp thời cử tổ công tác xuống hiện trường đưa các chị B. và P. đến BVĐK Sóc Sơn để khám và điều trị, đồng thời tiến hành lấy lời khai người có liên quan, xác định chị B. và chị P. không có hành vi bắt cóc trẻ em. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Sóc Sơn tập trung điều tra, xử lý các đối tượng đánh người gây thương tích.
Trước đó, Công an huyện Thanh Hà đã thông tin chính thức về vụ nghi vấn thôi miên, bắt cóc trẻ em ở thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc (Thanh Hà, Hải Dương), gây ra vụ đốt xe ôtô, tụ tập đông người gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, Trung tá Lê Minh Hoàn, Phó trưởng Công an huyện Thanh Hà cho biết, không có việc thôi miên, bắt cóc trẻ em. Hiện nay, Công an huyện Thanh Hà đang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi hủy hoại tài sản của những đối tượng quá khích.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc đập phá và đốt xe ôtô Fortuner vì nghi bị thôi miên là hành vi vi phạm pháp luật. Những người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999.
Tùy vào giá trị tài sản bị hủy hoại là chiếc xe ôtô Fortuner có giá trị bao nhiêu thì khung hình phạt tương ứng. Theo quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nguyên nhân của tình trạng này, Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành (giảng viên trường ĐH FPT) cho rằng,, hàng ngày người ta tiếp nhận rất nhiều luồng thông tin, nhưng thông tin xấu – những thông tin khiến họ cảm thấy bất an, làm cho người ta phải phòng ngự khiến người ta ấn tượng, nhớ hơn và thường trực hơn. Do đó, khi mà thực tế có bất kỳ tín hiệu nào gần với những thông tin mà người ta đã đọc, đã nghe đã sợ hãi, lo lắng thì sẽ phản ứng lại một cách dữ dội mà thôi, theo báo Infonet.
“Mà khi đã vào đám đông rồi thì trí thông minh của đám đông xuống thấp, người ta chỉ còn phản ứng theo phản xạ. Người ta tin vào những tin đồn đấy và muốn chứng tỏ mình là anh hùng, góp phần đánh tan thế lực xấu…
Đặc biệt, khi quá sợ hãi người ta sẽ liên kết lại để chiến đấu cái ác và họ nghĩ mình giống như anh hùng chuẩn bị “giải phóng con người khỏi cái xấu”. Vì thế, họ nghĩ đơn giản là đang góp phần làm một việc tốt, đang góp phần xóa đi kẻ xấu, trừng phạt những kẻ xấu mà thôi”- Ths Hà Thành nêu.
Sự cảnh giác là điều hoàn toàn đúng, nhưng ngay cả khi họ tìm ra manh mối, thủ phạm (giả thiết là đúng) theo Ths Hà Thành, họ vẫn phải hành xử một cách lý trí nhất dựa trên quy định của pháp luật. Vì có thể văn hóa làng xã là ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt nên lúc đấy họ chỉ hành động theo đám đông như vậy thôi nhưng nếu xác định hành vi đó là phạm tội thì thể nào trong đám đông ấy vẫn được hình thành bởi những cá nhân, thì có thể những cá nhân ấy vẫn phải chịu tội trước pháp luật. “Cho nên, mỗi cá nhân nên chịu trách nhiệm với hành động của mình”- Ths Hà Thành nhấn mạnh.
Một phụ nữ bị hiểu nhầm là có hành vi bắt cóc trẻ em đã bị người dân hành hung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo