Hàng "Made in China" mất thị trường
Sụt giảm mạnh doanh số
Theo đại diện của hệ thống nhà sách Phương Nam, một tháng trở lại đây, khách hàng, đặc biệt là trẻ em, cứ thấy đồ chơi hay các vật phẩm văn phòng có dòng chữ "Made in China" thì bỏ ngay. Tình hình này khiến ban lãnh đạo nhà sách Phương Nam phải lên kế hoạch tìm kiếm nguồn hàng từ các nước khác trong khu vực để thay thế, như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Cũng như Phương Nam, nhiều nhà sách nhỏ, quầy văn phòng phẩm cũng gặp tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Vĩnh Kim, chủ quầy hàng văn phòng phẩm đông nhất tại Thanh Đa cho biết, những khách hàng trước đây dùng hàng Trung Quốc (TQ) giờ chuyển sang mua hàng Việt Nam hoặc Thái Lan, Hàn Quốc. "Thay vì mua hàng TQ với số lượng nhiều, khách hàng chuyển sang dùng hàng Thái Lan, hàng Hàn Quốc. Tuy hàng của những nước này đắt hơn nhưng bù lại chất lượng tốt hơn nên khách hàng cũng nhanh chóng thay đổi", bà Kim cho biết.
Không chỉ ở nhà sách, hàng TQ cũng bị loại khỏi danh mục tiêu dùng của nhiều người nội trợ. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng Big C Việt Nam, cho biết, từ đầu năm đến nay, do quan ngại về chất lượng hàng TQ nên mặt hàng đồ chơi của siêu thị bị sụt giảm doanh số. Đặc biệt, từ đầu tháng 5, ngay sau khi TQ ngang nhiên đặt giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam thì sức mua hàng này càng giảm mạnh. Tương tự, ở hệ thống Metro, lượng khách mua hàng phi thực phẩm cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Thực ra, không phải đợi đến khi TQ xâm phạm chủ quyền biển đảo quê hương, người tiêu dùng Việt Nam mới tẩy chay hàng TQ, mà từ nhiều năm nay, những mặt hàng của nước này đã bị từ chối.
Bởi, thời gian qua, cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện có quá nhiều mặt hàng TQ kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó có các loại đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em, quần áo trẻ em sử dụng phẩm nhuộm gây độc hại, dư chất bảo quản, hóa chất độc hại trong hoa quả, rau xanh...
Tìm nguồn thay thế
Theo đại diện của Metro, hiện nay, 90% hàng bán tại hệ thống này là hàng Việt Nam, 10% là hàng nhập khẩu, trong đó có hàng TQ. Hàng của nước này bán tại Metro chủ yếu là hàng phi thực phẩm và sau sự kiện TQ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam, sức mua có giảm. Trong khi đó, chủ trương ngay từ đầu của Saigon Co.op là hạn chế tối đa các mặt hàng TQ.
Đặt biệt, thực phẩm tươi sống và trái cây hoàn toàn không có hàng TQ do các mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ 3 năm nay, hệ thống siêu thị Co.opmart đã ngưng bán trái cây TQ. Hiện, tỷ lệ trái cây nội địa bày bán tại Co.opmart duy trì ở mức 90%, 10% còn lại là trái cây nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Chile, Nam Phi với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nguồn trái cây, nông sản TQ được Co.opmart thay thế bằng những trái cây, nông sản đặc sản của địa phương để làm phong phú nguồn hàng. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op (cơ quan chủ quản của Co.opmart), cho biết: "Hệ thống Co.opmart tuyệt đối không bán nông sản, thực phẩm có nguồn gốc từ TQ. Và Co.opmart cũng không bán các loại nông sản có nguồn gốc không minh bạch, không rõ ràng".
Về phía người tiêu dùng, một số chuyển sang tiêu dùng hàng trong nước, hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, số khác tìm cách chuyển việc mua đồ chơi cho con bằng việc đưa con đi chơi, du lịch...
"Việc tẩy chay dùng hàng TQ trong bối cảnh nước này đang có những hàng động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển là phản ứng tự nhiên và cũng là quyền của mỗi người tiêu dùng. Đặc biệt, điều này là cần thiết đối với mặt hàng nhập lậu, chất lượng kém, không rõ nguồn gốc vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng của hãng này hay của hãng khác, của quốc gia này hay quốc gia khác, miễn là phù hợp với đòi hỏi về chất lượng và túi tiền của họ. Ưu tiên dùng hàng trong nước cũng là cách bảo vệ doanh nghiệp nội địa và khuyến khích hàng Việt phát triển", đại diện hệ thống Metro nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết