Môi trường

Hàng ngàn hécta rừng bị phá ở Đắk Nông

Do buông lỏng quản lý, mất nhiều báo ít dẫn đến việc hơn 3.500 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông), đang đối mặt với trách nhiệm pháp luật nghiêm khắc nhất.

Đất rừng Cty Trường Xuân quản lý đã biến thành rẫy

Từ năm 1993 đến 2013 Bộ Lâm nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Đắk Nông giao đất, giao rừng cho Lâm trường Trường Xuân nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (gọi tắt là Cty Trường Xuân) quản lý và bảo vệ hơn 15.000 ha (bao gồm hơn 14.000 ha rừng tự nhiên, gần 240 ha rừng trồng, còn lại đất trống đồi núi trọc). Qua 16 lần quyết định thu hồi để giao cho các địa phương, đơn vị quản lý, đến năm 2013, diện tích Cty quản lý là hơn 8.500 ha, tuy nhiên, con số này chỉ trên giấy tờ, thực tế rừng đã mất hơn 3.500 ha. 

Khảo sát thực tế tại tiểu khu 1687 thuộc quản lý của Cty Trường Xuân, chúng tôi tận mắt chứng kiến toàn bộ diện tích rừng bị xóa trắng, nhường chỗ cho khoai lang, sắn mì xen lẫn cao su, cà phê. 
 
Anh Y Thái (thôn 3, xã Trường Xuân) hiện đang canh tác gần 2 ha đất thuộc quản lý của Cty này cho hay: “Năm 2002 thấy đất trống nên gia đình khai hoang, bỏ trống một thời gian rồi trồng hoa màu. Từ lúc khai phá tới nay không có ai (cơ quan chức năng, chính quyền địa phương - PV) tới hỏi han, người của lâm trường thì càng không”. 
 
Cùng thôn, anh Ma Khánh cũng đang “sở hữu” gần 1,5 ha đất hồn nhiên cho biết: “Đất này anh mua từ năm 2006 từ một người với giá 4 triệu/sào, việc mua bán chủ yếu do hai bên tự thỏa thuận, không thông qua chính quyền cũng không quan tâm đến sự hiện hữu của chủ quản lý rừng Cty Trường Xuân. Hiện gia đình đã xuống giống trồng hơn 1,2 ha cà phê, 4 sào sắn mì”. 
 
Cùng chung số phận, các tiểu khu còn lại gồm: 1676, 1677, 1678, 1689, 1708 do Cty này quản lý rừng cũng bị phá, người dân thản nhiên phát canh trồng hoa màu, cà phê, cao su, mà không gặp phải sự can thiệp từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý rừng. 
 
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đắk Nông: “Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và chủ rừng thực hiện việc rà soát, thống kê diện tích rừng bị mất, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tiến hành cưỡng chế, giải tỏa thu hồi, lập phương án khoanh nuôi, tái tạo rừng. Nhưng diện tích thuộc Cty Trường Xuân quản lý chưa có diện tích nào bị cưỡng chế thu hồi để trồng rừng”.

Gần 95% diện tích rừng bị mất không khai báo
 
Lý giải việc để mất rừng, ông Thái Gia Hoan, Trưởng phòng tổ chức hành chính Cty Trường Xuân bao biện: “Nạn dân di cư tự do kéo đến ngày càng nhiều, lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng, diện tích rừng dàn trải, nhiều tiểu khu nên chúng tôi không thể bao quát hết được. Việc bàn giao đất, giao rừng chỉ diễn ra trên giấy tờ, nên chúng tôi khó xác định được diện tích rừng bị phá trước khi được bàn giao cho Cty”.
 
Tuy nhiên, kết luận thanh tra cho thấy mất rừng là do Cty chủ quan, buông lỏng quản lý. Từ năm 2008 đến năm 2013, Cty Trường Xuân có 159 báo cáo gửi các cơ quan Công an, UBND huyện Đắk Song và Sở NN&PTNT tỉnh chứ không hề gửi báo cáo lên UBND tỉnh Đắk Nông.
 
Ngoài ra, Cty này khai báo không đúng diện tích rừng bị mất hàng năm dẫn đến mất rừng trên diện rộng. Cụ thể từ năm 2009 đến nay để phá mất hơn 3.500 ha rừng nhưng Cty Trường Xuân chỉ báo cáo 181 ha, còn lại hơn 3.300 ha không báo cáo. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước không nắm được tình hình, đưa ra biện pháp ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng.
 
Trước những sai phạm trên, theo UBND tỉnh Đắk Nông trách nhiệm trước tiên thuộc về Giám đốc công ty ông Trần Quyết Tâm và cán bộ quản lý rừng của Cty Trường Xuân. Những người liên quan sẽ phải chịu mức xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Đồng thời Sở NN&PTNT tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, UBND, Công an, Hạt Kiểm lâm huyện Đắc Song và UBND xã Trường Xuân cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Liệu có hay không việc một số người cố tình phớt lờ công tác quản lý bảo vệ rừng để trục lợi?
 

Từ năm 2009 đến nay để phá mất hơn 3.500 ha rừng nhưng Cty Trường Xuân chỉ báo cáo 181 ha, còn lại hơn 3.300 ha không báo cáo. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước không nắm được tình hình, đưa ra biện pháp ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng.

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo