Hàng nghìn dân tị nạn gây hỗn loạn tại ga xe lửa Hungary
Sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ra quyết định mở cửa đón nhận thêm nhiều người tị nạn, hàng trăm người nhập cư đã đổ xô về thủ đô Budapest của Hungary để đến nước Đức. Nhiều người dân tị nạn đã giận giữ khi chính quyền Budapest hạn chế số người lên tàu đến nước Đức vì số lượng người đổ về đây quá nhiều và làm hỗn loạn tình hình xã hội nước này.
Khoảng 1.000 người tập trung trước nhà ga xe lửa phía Đông Budapest và la hét ầm ĩ: “Nước Đức, nước Đức, chính phủ Hungary, hãy để chúng tôi đến Đức”. Trên tay của nhiều người tị nạn còn cầm các tờ giấy kêu gọi sự can thiệp, giúp đỡ từ phía Liên Hợp quốc.
Để đảm bảo tình hình tại các nhà ga được ổn định, chính quyền Hungary đã triển khai lực lượng cảnh sát làm hàng rào chắn tại các trạm xe lửa, ngăn không cho người tị nạn xô đẩy và làm hỗn loạn khu vực công cộng.
Kể từ hôm qua, sau khi thủ tướng Đức mở cửa cho phép nhiều người tị nạn nhập cư vào Đức, sáng sớm hôm nay dòng người từ các nước như Serbia hay Syria đã đến các cửa ngõ nhập cư của Áo và Hungary ngày càng đông, khiến chính phủ 2 nước này lo ngại về vấn đề an ninh.
Để ngăn ngừa tình trạng hỗn loạn xảy ra các quan chức Budapest đã cho đóng cửa hoàn toàn các nhà ga xe lửa vào sáng sớm, sau đó cho mở cửa trở lại nhưng vẫn cấm những người nhập cư đi vào nhà ga. Nhiều người nhập cư đã giận dữ và tiến hành biểu tình nhưng vẫn không đem lại thay đổi nào từ phía chính quyền Hungary.
Phát ngôn viên của chính phủ Hungary, ông Zoltan Kovacs cho biết việc đóng cửa và cấm người nhập cư là thực thi đúng theo quy định của EU đối với những người nhập cư bất hợp pháp. “Chính phủ Áo và Hungary cho phép những người tị nạn không có giấy tờ tùy thân lên tàu đến Đức vào ngày hôm qua, nhưng hiện tại số lượng người nhập cư quá đông nên chúng tôi chỉ làm đúng theo quy tắc của EU mà thôi”, ông Zoltan nói thêm.
Pháp luật của liên minh châu Âu EU có quy định về đường biên giới chung giữa 28 nước thành viên và đề ra quy tắc “Dublin”, theo đó cho phép chính quyền các nước thành viên phải kiểm tra sát sao tình trạng người nhập cư bất hợp pháp không có giấy tờ.
“Hàng ngàn người đã đến đây với hy vọng có cuộc sống yên ổn hơn ở Đức, nhưng bây giờ không thể đến đó, chúng tôi thực sự không biết đi về đâu”, Marah, một phụ nữ 20 tuổi đến từ Aleppo, Syria nói trong sự thất vọng. Cô và gia đình đã mua vé đến từ Hungary đến Áo để được miễn nhập cảnh vào Đức, nhưng hiện tại cô còn không thể vào được nhà ga xe lửa của Hungary.
“Xin hãy giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi cũng là con người!” - một cậu bé cầm trên tay tờ giấy kêu gọi giúp đỡ từ chính quyền Budapest để được lên xe đến Đức.
“Tôi đã đến đây, tôi không thể từ bỏ được, tôi tin nước Đức vẫn sẽ tiếp tục mở cửa cho chúng tôi”, Ahmad Orabi, 25 tuổi đến từ Homs, Syria nói với phóng viên AFP.
Lệnh cấm người tị nạn lên tàu được thực thi trong 24 giờ, quan chức Hungary cho biết. “Nhiều người tị nạn đã mắc kẹt lại Budapest trong nhiều ngày, chúng tôi cũng không thể đứng nhìn tình trạng hỗn loạn xảy ra thêm nữa, đã có quá nhiều người đến đây, chúng tôi cần giữ cho tình hình ổn định hơn”.
Ngày hôm qua, chính phủ Hungary đã cho phép hàng trăm chuyến tàu chở theo 3.500 người tị nạn không có giấy phép đến Viên và từ Viên đến Đức. Con số này được ghi nhận đạt mức kỷ lục số người nhập cư vào châu Âu trong một ngày.
“Tuy nhiên, chúng tôi chỉ cho phép thực hiện điều đó vào ngày hôm qua, hôm nay chúng tôi không thể tiếp tục cho phép nhập cư thêm người nào nữa, tất cả sẽ phải chờ đến quyết định cuối cùng của lãnh đạo EU vào ngày 14/9 này”, quan chức Hungary cho biết.
Theo ghi nhận, đã có tới 350,000 người nhập cư bằng đường biển đến châu Âu, 234,770 người nhập cư vào Hy Lạp. Có ít nhất 2,600 người đã chết khi cố tìm mọi cách để đến các nước EU, chủ yếu là do chết đuối, chết ngạt khi bị nhốt kín trong thùng xe tải khi tìm cách nhập cư bất hợp pháp.
Cuộc di cư này được coi là cuộc đại khủng hoảng nhập cư của châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các nhà lãnh đạo đang cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề này vào ngày 14/9 khi hội nghị lớn của 28 nước EU được họp bàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo