Thị trường

Hàng phế liệu không đủ điều kiện thông quan gây ùn tắc kho bãi thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng mỗi ngày

(DNVN) - Theo quy định, mặt hàng phế liệu khi nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện về môi trường, nhưng một số doanh nghiệp không tuân thủ, dẫn tới không làm được thủ tục thông quan, chủ hàng bỏ mặc ở cảng, khiến cho khu vực cảng còn tồn đọng một số lượng lớn container phế liệu. Dẫn đến doanh nghiệp cảng ngày càng ùn ứ ở kho bãi, gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng mỗi ngày.

Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Do vậy, các cục hải quan địa phương cần giám sát chặt mặt hàng này, đồng thời thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hiện việc nhập khẩu sắt thép phế liệu vẫn đang chiếm khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy thép trong nước, bởi chi phí nhập khẩu sắt thép phế liệu rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép. Đó là nguyên nhân khiến phế liệu sắt thép liên tục đổ về Việt Nam trong thời gian qua. 

Thời gian gần đây, các bộ, ngành đã siết chặt việc cấp giấy phép nhập khẩu các mặt hàng nhựa, giấy phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam, nhưng một số doanh nghiệp không tuân thủ theo quy định nên chưa làm được thủ tục thông quan, dẫn đến gây ùn ứ cục bộ tại cảng.

Thông tin từ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, số container tồn đọng tại cảng Cát Lái đã lên tới khoảng 8.000, chiếm hơn 10% diện tích kho bãi của cảng. Số container tồn đọng đó chủ yếu ở diện cấm nhập khẩu hoặc sai mã số hải quan dẫn đến việc chưa thể thông quan được. Thời gian qua khi một số nước trong khu vực siết chặt hơn về nhập phế liệu, vì thế số container hàng hóa đổ về Việt Nam chủ yếu theo dạng tạm nhập tái xuất, không có người nhận, chủ hàng vứt bỏ tại cảng. Tiền lưu kho, bến bãi không có ai thanh toán, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cảng biển. Theo ước tính của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, sự ùn ứ cục bộ khoảng 8.000 container đang gây ra thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng mỗi ngày.

Việc hạn chế và cấm nhập khẩu phế liệu đã được nhiều quốc gia làm chặt. Trong khi ngành công nghiệp tái chế phế thải gây tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng và môi trường. Nguy cơ Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có thể trở thành điểm đến của các mặt hàng là rác thải, phế liệu đã được cơ quan hải quan đưa ra cảnh báo từ đầu năm nay. Trong khi từ đầu năm 2018, Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu rác thải, phế liệu từ nhựa, ni-lon.

 

Theo quy định của Thông tư số 41 ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, vẫn có các doanh nghiệp lợi dụng khai sai về tên hàng, mã số hàng hóa để gian lận về chính sách nhập khẩu, hoặc sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất trong việc làm thủ tục hải quan.

Nên đọc
Tuyết Thùy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo