Hàng Tết vừa trữ vừa run
Chợ lẻ sợ vỡ nợ vì hàng Tết
Mặc dù đã có nhiều công ty trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh chào hàng nhưng nhiều tiểu thương vẫn chưa dám lấy hàng về bán Tết, vì giá cả không hợp lý và chưa đàm phán được. Trong khi đó, vào thời điểm này mọi năm hàng hóa Tết đã ngập các chợ, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ. Một điều đáng lưu ý nữa là, năm nay tiểu thương từ chối nhận hàng Trung Quốc vì người tiêu dùng tẩy chay những mặt hàng này. Song, những người kinh doanh cũng không dám mạo hiểm đưa về nhiều mặt hàng mới có giá cao.
“Hàng Trung Quốc thì không dám lấy về, hàng trong nước có thương hiệu thì giá cả đắt đỏ nên thay vì hàng Trung Quốc, chúng tôi chỉ dám nhận hàng của những doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ để phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên, lượng hàng lấy về hiện tại chỉ để bán hàng bình thường chứ chưa dám lấy nhiều về trữ hàng Tết vì sợ ế”, anh Lê Trí, tiểu thương chợ Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh), chuyên kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo cho biết.
Chị Hoàng Minh, tiểu thương chuyên kinh doanh các mặt hàng gia dụng tại chợ Phú Lâm (Quận 6) cũng cho hay: “Tính đến hiện tại, cả chợ đều vắng bóng hàng Tết, nên tôi cũng chưa dám lấy hàng về bán. Phải đến đầu tháng 11 âm lịch, mới bắt đầu tính đến chuyện nhập hàng và trữ hàng Tết. Nếu có lấy cũng chỉ lấy cầm chừng và không dám tăng giá vì bán ế thì nguy”. Chị Minh cho biết thêm, chủ yếu hàng hóa lấy về thời điểm này là hàng Việt Nam, riêng hàng Trung Quốc chỉ lấy mặt hàng chén sứ là còn dễ bán.
Mặt khác, do các siêu thị cũng đang chạy đua khuyến mãi liên tục, trong khi các chợ giá các mặt hàng vẫn không đổi nên người tiêu dùng “quay lưng”. Kiệt quệ nhất phải kể đến các sạp hàng thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng. Vì vậy nhiều tiểu thương đành chấp nhận thu hẹp kinh doanh chứ không dám liều vay vốn để tích trữ hàng Tết sợ dẫn đến vỡ nợ. Hiện sức mua tại các chợ đang rất yếu, chỉ bán hàng được vào buổi sáng còn buổi chiều thì “vắng như chùa Bà Đanh”.
Chợ đầu mối vừa bán vừa run
Ghi nhận của PV tại 3 chợ đầu mối lớn trên địa bàn thành phố như Bình Tây (Quận 6), chợ An Đông (Quận 5), chợ nông sản Thủ Đức (Quận Thủ Đức) cũng cho thấy, mặc dù đang vào mùa bỏ hàng cho các điểm lẻ nhưng các tiểu thương không dám giao hàng mới cho khách. Theo chủ sạp quần áo ở chợ Bình Tây, thông thường như mọi năm, khách đến lấy hàng đều có thể trả chậm, nhưng năm nay, các thương nhân cung cấp hàng cho chủ sạp yêu cầu phải trả tiền tươi. Do đó, các chủ sạp cũng phải yêu cầu khách hàng phải thanh toán hết các khoản nợ cũ rồi mới giao hàng.
Bên cạnh đó, việc trữ hàng Tết cũng gần như không được tính đến. Hầu hết các tiểu thương đều xác định bán hết đến đâu mới nhập về đến đó, chứ không để xảy ra tình trạng “ôm hàng chôn vốn”. Bởi vậy trong những ngày này hàng về các chợ đầu mối cũng thưa thớt, các gian hàng, lối đi vào chợ vẫn rộng rãi chứ không chật ních, chen không nổi như năm ngoái.
Trao đổi với PV, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, do giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức mua trên thị trường tăng chậm cũng khiến các tiểu thương gặp nhiều khó khăn trong việc trữ và tung hàng Tết vào thời điểm này. Tuy nhiên, thành phố đã xác định nguồn hàng cung cầu trước trong và sau Tết Quý Tỵ 2013, chợ đầu mối sẽ chiếm từ 40 – 50% thị phần. Đặc biệt, các mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản chiếm đến 60 – 70% thị phần.
Để giải quyết khó khăn, trước mắt Sở Công thương đã thực hiện kí kết hỗ trợ vốn với lãi suất 10%/năm trong 3 tháng Tết với Ngân hàng Sacombank. Theo đó, sẽ có gói vốn 1.000 tỉ đồng cho khoảng gần 1.000 tiểu thương tại 243 chợ đại trà trên địa bàn thành phố vay. Bà Đào nhận định, với sự hỗ trợ này, cả người dân và tiểu thương có thể yên tâm nguồn hàng hóa sẽ đáp ứng cung cầu, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến.
Việt Huế (Theo Infonet)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững