Xã hội

Hàng trăm gấu nuôi cần được giải cứu

Các hộ dân xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội vẫn đang nuôi nhốt hàng trăm con gấu ở trong điều kiện không đảm bảo, đe dọa đến tương lai của loài vật đã nằm trong sách đỏ.

Chíp cũ, gấu gầy

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Đan Phượng, tính đến tháng 6 năm 2014, trên toàn xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ còn 37 hộ nuôi, nhốt gấu với 211 cá thể. Điển hình, nuôi nhiều nhất là 31 cá thể của gia đình ông Cấn Như Tùng. Toàn bộ số gấu này đã được Hạt Kiểm lâm Đan Phượng gắn chíp theo dõi và các trại được đưa vào hồ sơ quản lý.

Nhưng theo ông Lê Văn Hùng – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đan Phượng, mỗi lần kiểm tra xem có chíp hay không phải gây mê cho gấu tốn khoảng 700.000 – 1.000.000 đồng/1 cá thể. Các máy móc đọc chíp đều đã cũ, mỗi máy chỉ đọc được một loại chíp nên rất khó khăn cho cán bộ kiểm lâm trong khâu quản lý gấu bằng chíp. Mặt khác, các hộ dân đều không chấp hành việc báo cáo và nộp tiền để kiểm tra chíp.

Ông Hùng không khẳng định là đã chấm dứt được tình trạng người dân lén lút hút mật gấu vì khó bắt được quả tang. Cán bộ thường xuyên đi kiểm tra, nếu phát hiện gấu không có chíp sẽ bị phạt theo quy định. Dù đã gắn chíp nhưng số lượng gấu cứ sụt giảm do dân báo là gấu chết thì khó có thể xử phạt.

Gấu được nuôi nhốt trong các trang trại ở Phúc Thọ đều có nguồn gốc tự nhiên, thuộc loài gấu ngựa, một cá thể trưởng thành có thể cao đến 1.9m, nặng tới 200kg. Theo quan sát của phóng viên, dọc tuyến đường 32, hàng loạt chuồng nuôi, nhốt chỉ gấu là những cũi sắt cũ kĩ, han rỉ và chật chội đặt trước cửa ra vào nhà dân.

Dọc tuyến đường 32 có rất nhiều trại gấu đặt chuồng gấu trước của ra vào

Ông Hùng cũng thừa nhận các hộ nuôi gấu hiện nay đều không thực hiện đúng theo quy định về việc xây dựng chuồng trại, chăm sóc gấu như phải có chuồng trại kiên cố, rộng rãi và tường bao quanh trại. Còn để làm lại chuồng cho mỗi con gấu phải mất gần chục triệu nên chúng chỉ được nuôi nhốt trong điều kiện tạm bợ, chật hẹp, không có chỗ hoạt động thoải mái. Chuồng hỏng sẽ gia cố lại chứ không đầu tư xây dựng chuồng, trại mới. Chi phí nuôi gấu tốn kém lại không đem lợi nhuận nên dân cũng bỏ bẵng hẳn việc chăm sóc, cán bộ kiểm lâm cũng không có đủ điều kiện để kiểm soát hết được việc người dân chăm sóc gấu như thế nào.

Trung bình để duy trì nuôi một con gấu phải mất vài triệu đồng/tháng mà không đem lại nguồn thu về nên người dân ngán ngẩm chẳng buồn chăm sóc. Nếu như trước đây, giá mật gấu cao ngất ngưởng, để trích hút được mật, gấu người ta chăm bẵm, vỗ béo như “cục cưng” với khẩu phần phải từ 40 – 50.000/ngày/con. Giờ mật gấu không còn “thịnh”, chúng chỉ được ăn cháo bí, gà thải để duy trì sự sống nên sức khỏe cũng ngày càng giảm sút.

Dân chán nhưng không muốn cho

Các chủ trang trại đều đã chán việc duy trì nuôi gấu mà không có lãi, nhiều nhà không nuôi được đành để gấu ốm, bệnh tật và chết dần nên số lượng gấu cũng ngày một giảm.

Ông Lê Văn Hùng đề xuất: “Chi phí nuôi gấu rất tốn kém nên để duy trì việc bảo tồn gấu, các chủ trại mong muốn nhà nước hỗ trợ kinh phí cho gấu ăn từ 40.000 – 50.000 đồng/ngày/cá thể. Còn nếu Nhà nước có chủ trương thu hồi gấu về nuôi tại các Trung tâm bảo tồn thì hỗ trợ một phần kinh phí cho dân nuôi từ năm 2005 đến nay khoảng 100 triệu đồng/cá thể”.

Vẫn còn nhiều biển hiệu trại gấu được đặt trước cửa nhà dân ở Phụng Thượng

Tìm hướng giải cứu những chú gấu đang chết dần ở Phụng Thượng và có lẽ cũng là tình trạng chung ở nhiều nơi khác, chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc phụ trách Cơ quan quản lý CITES. Nhưng câu trả lời là không. Ông Tùng cho biết, nhà nước sẽ không có bất cứ khoản hỗ trợ nào vì gấu nuôi nhốt trong các hộ dân đều là nuôi bất hợp pháp. “Nếu dân hiến gấu thì sẽ nhận, còn nếu phải trả chi phí thì sẽ không nhận vì nhà nước không có đủ kinh phí chi trả”, ông Tùng nói.

Dân chán gấu nhưng không chịu bỏ, nhà nước thì vẫn lối cũ trên con đường thẳng hành chính mà làm. Có nhìn ánh mắt hoang dã qua chiếc cũi hoen gỉ người ta không còn thấy sự dũng mãnh của loài thú hoang này. Ai giải cứu chúng bây giờ?

Phúc Thọ từng được biết đến là trang trại gấu lớn nhất miền Bắc. Tất cả gấu nuôi nhốt trong các hộ dân đều là mua bán, thu gom từ những đường dây săn bắn, buôn bán gấu trái phép nhằm mục đích kinh doanh, trích hút mật từ cuối những năm 80 – đầu năm 90. Ban đầu, ở Phụng Thượng chỉ có 8 hộ nuôi khoảng 100 con gấu, sau đó đến năm 2005, các trại gấu đã lan ra cả thị trấn Phúc Thọ, với tổng cộng là 59 trại gấu trên địa bàn huyện, số gấu nuôi nhốt trong trại hoặc khuôn viên gia đình là 325 cá thể. Nhưng khi giá mật gấu rớt xuống từ 250.000 chỉ còn 20.000, kéo theo nhiều hệ lụy dân không muốn nuôi, số phận của những con gấu cũng đang từng này bị đe dọa…

Trần Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo