Xã hội

Hàng trăm hộ dân hàng ngày đánh đu với cầu tạm để qua sông

Vì lý do thiếu kinh phí nên hàng trăm hộ dân của xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An vẫn đang phải đánh đu với tử thần qua sông Dinh trên những cây cầu tạm.

 Đánh đu với tử thần

Đã từ lâu, người dân hai xóm Cốc Mẳm, Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Qùy Hợp chủ yếu qua lại giao thương với bên ngoài bằng chiếc cầu tạm, không đảm bảo an toàn. Người dân ở đây luôn thấp thỏm nỗi lo cầu gãy, học sinh nơm nớp lo sợ rơi tõm xuống sông khi đi về trên cầu tạm.

Chiếc cầu tạm Sơn Tiến làm bằng tre nứa do dân bản dựng lên để bắc qua sông Dinh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Là con đường chính qua lại của làng Dụa, làng Sởi xã Thọ Hợp và một số xóm khác của xã Minh Hợp, xã Văn Lợi (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).

Do thiếu kinh phí nên hiện hàng trăm hộ dân tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An vẫn đang phải liều mình đánh đu với tử thần khi đi qa sông Dinh với những cây cầu tạm bằng tre nứa thế này

Mặt cầu làm bằng tre nứa đan vào nhau thành những tấm phên nhỏ, giữa những phên nứa là những phên tre đặt ngang, ghép thành giá đỡ. Chân cầu là các cọc tre cắm xuống lòng sông. Cứ khoảng 1m, người ta lại chống thêm 1 chiếc cọc tre dài, giữ cho cầu không bị đổ ngang. Cứ thế, cây cầu tre được kéo dài 80m, rộng 1,2 m khi đi bộ qua mặt cầu cứ nhún nhảy như đi trên đệm. Đó là những khi nước sông Dinh vào mùa cạn còn vào những khi nước lũ về lên cao tràn vào cả trong làng thì những cây cầu này đều bi cuốn trôi.

Là cầu nối ra Quốc lộ 48, người dân dễ dàng giao thương, học sinh các cấp đến trường gần nhất. Vẫn biết là không an toàn, tử thần rình rập, song không còn cách nào khác, người dân nơi đây đành phải liều mình “sống chết” với những chiếc cầu tạm này. Khi chúng tôi về thì chiếc cầu tạm Sơn Tiến sau một trận mưa to đã bị nước song làm hư hỏng nên người dân đang vội vàng sửa, chắp vá để kịp cho bà con đi qua.

Ông Trương Sông Hương (64 tuổi, xóm Sơn Tiến), người đang sửa cầu cho biết: “Sau mỗi trận mưa to, bà con trong xóm lại đóng góp tre nứa để và cử thanh niên trong xóm ra sửa cầu. Những trận lũ không kịp tháo cầu để trên bờ thì bị lũ cuốn đi. Mỗi năm ít nhất phải 5 đến 7 lần làm lại cầu và khoảng 10 đến 15 lần sửa cầu. Không đi qua cầu được, khi đấy đành phải đi ngược khoảng 20 km lên Minh Hợp ra phía chợ 32 mới ra được Quốc lộ 48 để đi ra các xã khác”.

Cứ sau mỗi trận mưa nhỏ người dân lại phải góp tre nữa để ra sửa lại cầu tạm

Biết những nguy hiểm rình rập, nhân dân xóm đề nghị lên các cấp được hỗ trợ làm cầu treo để đi lại thuận lợi hơn. Anh Trương Văn Thêm, xóm trưởng Sơn Tiến cho biết: “118 hộ, trong đó gần 100 học sinh các cấp chẳng có sự lựa chọn nào ngoài phó mặc cho số mạng đi trên cây cầu tạm bợ này. Nhờ cây cầu tạm người dân đi lại nhanh hơn, các cháu học sinh cũng tới trường gần hơn. Để đảm bảo an toàn cho việc đi lại qua cầu, người dân nóng lòng chờ đợi dự án làm cầu treo”.

Đó cũng là thực trạng chung đang diễn ra hàng ngày ở xóm Cốc Mẳm, xã Thọ Hợp. Cầu tạm Cốc Mẳm là con đường duy nhất của 135 hộ dân với hơn 501 nhân khẩu nối ra với các địa phương khác.

Ông Trương Văn Biển - xóm trưởng Cốc Mẳm cho biết: “Hàng năm có 6 đến 7 người rơi xuống sông, chỉ xây xát nhẹ, xe máy hỏng hóc. Có trường hợp anh Trương Văn Kiên rơi xuống bị gãy cổ, hiện tại đang phải chốt đinh ở cổ. Người dân lo lắng những hiểm họa rình rập khi đi qua cầu, nhưng cũng phải đi vì đây là cầu nối gần nhất, thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân”.

Những học sinh này của xã Thọ Hợp vẫn hàng ngày phải liều mình qua cầu tạm bằng tre nứa để đến trường

Gặp em Trương Thị Lệ (học sinh lớp 2 xóm Cốc Mẳm), nạn nhân rơi xuống cầu được kịp thời cứu vớt kể lại: “Hôm đó trời mới mưa xong, em cùng các bạn đi học qua cầu, dắt xe đi bộ đến giữa cầu thì trượt chân ngã xuống sông. Các bạn hô cứu kịp thời nên em may mắn được vớt lên. Giờ đi qua cầu em vẫn còn sợ lắm. Phải sau một thời gian dài, mẹ chở em tới trường thì đến giờ em mới lại phải liều tự đi đến trường cùng bạn bè qua chiếc cầu tạm này”.

Dân mòn mỏi chờ cầu treo

Mong muốn xây dựng một chiếc cầu kiên cố đảm bảo an toàn tính mạng là nguyện vọng nhiều năm nay của hàng trăm hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một chiếc cầu quy mô nào được xây dựng trên địa bàn huyện Qùy Hợp. Nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí xây dựng.

Không ít người dân và học sinh đã gặp nạn ở cây cầu tạm Cốc Mẳm này nhưng dự án xây cầu vẫn chưa được thực thi vì thiếu kinh phí

Trên thực tế, hai cây cầu tạm lớn là Cóc Bẳm và Sơn Tiến thuộc xã Thọ Hợp đều đã có dự án xây dựng cầu mới nhưng cả hai đều vướng mắc ở khâu nguồn vốn. Riêng cầu Sơn Tiến, đã có ngân sách của chính phủ về việc đầu tư xây dựng cầu mới với số vốn là 13,2 tỷ đồng nhưng mới chỉ dừng lại ở mức khảo sát.

Còn đối với cầu Cốc Mẳm, tháng 10/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án đầu tư kinh phí xây dựng cầu treo với vốn dự kiến là 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, nguồn vốn được rót về mới chỉ được 2 tỷ đồng nên khả năng để xây dựng cầu treo mới không thể thực hiện được. Vì vậy, UBND huyện Qùy Hợp đang lập văn bản điều chỉnh quy mô và kinh phí cầu thấp xuống với mong muốn tỉnh sẽ sớm có giải pháp xây dựng dự án.

Trước những hiểm nguy rình rập của những chiếc cầu tạm, ông Trương Hải Nam - Phó phòng Công thương huyện Qùy Hợp thẳng thắn thừa nhận: “Tất cả các cây cầu tạm được dựng lên trên địa bàn huyện đều là tự phát. Tuy không đạt tiêu chuẩn an toàn nhưng chính quyền cũng đành chịu vì đó là nhu cầu của người dân, không thể cản được”.

Việc xây dựng cầu treo kiên cố, theo ông Nam cho biết: “Tạm thời bà con cũng phải tiếp tục đi qua cầu tạm. Vừa rồi, chúng tôi cũng đã ra công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra độ an toàn các cây cầu tạm đồng thời có thông báo kịp thời thông tin trước các đợt bão lũ để nhân dân có biện pháp ứng cứu kịp thời”.

Do sự chậm trễ trong nguồn vốn xây dựng cầu treo nên hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Qùy Hợp vẫn phải dài cổ chờ cầu mới và tiếp tục “đánh liều” với những chiếc cầu tạm trước mùa mưa bão. Hàng trăm học sinh các cấp hàng ngày đến trường trên chiếc cầu tạm thô sơ với những nguy hiểm rình rập.

Theo Giáo dục Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo