Chân dung

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp có lãnh đạo nữ

Trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ với thế giới, áp lực đối với nữ doanh nhân ngày càng lớn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đáng mừng là ở nước ta đã hình thành một đội ngũ nữ doanh nhân năng động, dám nghĩ, dám làm để phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.

Thức dậy từ lúc gà gáy

Là giám đốc một doanh nghiệp lớn, quản lý trên 2.500 công nhân, 15 nhà máy chế biến hải sản, 20 xe du lịch các loại… một ngày mới của chị Phạm Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến (Đà Nẵng) bắt đầu từ 5 giờ sáng.
 
“Khi mọi người trong gia đình vẫn còn chưa thức giấc, tôi đã dậy để chuẩn bị đi chợ, nấu bữa sáng cho cả nhà và đưa con đi học. Sau đó, đúng 7 giờ tôi đã phải bắt đầu làm việc. Dù rất bận rộn với công việc nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian để đến buổi chiều có thể dành thời gian đón con, chuẩn bị nấu bữa tối cho cả gia đình”, chị Thủy cho biết.
 
Hiệp hội doanh nhân nữ thường xuyên gặp nhau, trao đổi cách kinh doanh và cuộc sống.Ảnh: CTV
 
“Khi công ty mới thành lập cách đây 25 năm, khó khăn lớn nhất tôi phải đối mặt là quy mô vốn nhỏ và việc tiếp cận tín dụng để đầu tư phát triển kinh doanh rất khó khăn. Thời điểm đó, các con còn nhỏ nên áp lực công việc gia đình cũng rất lớn. Tuy nhiên, tôi vẫn phải trực tiếp lo liệu mọi việc như đặt hàng, nhận hàng, giao dịch với ngân hàng, khách hàng…”, chị Thủy chia sẻ.
 
Theo chị Thủy, thủ tục hành chính về ngân hàng, thuế, hải quan luôn là vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu. Đặc biệt, chị nhiều lần bị “stress” do cách ứng xử của ngân hàng với doanh nghiệp. Có những ngân hàng chị đã làm việc với họ trong thời gian dài, nhưng hai bên vẫn chưa có sự tin tưởng lẫn nhau. Khi công ty gặp khó khăn, thay vì ngân hàng cần giúp đỡ, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thì ngược lại, họ lại tạo áp lực, ép doanh nghiệp phải thanh toán, coi mình như sắp phá sản… Trong tình cảnh đó, nếu không nỗ lực vượt qua khó khăn thì doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình cảnh đổ vỡ. 
 
Ngoài ra, các nữ doanh nhân Việt Nam đang đối diện với một khó khăn không hề nhỏ từ truyền thống kinh doanh. “Hiện nay, ở Việt Nam, nếu muốn xin một thủ tục hành chính, hay ký hợp đồng thì phải có một bữa “nhậu”. Đối với phụ nữ thì xử lý việc này khó khăn hơn nam giới. Hoặc khi đạt được thành công trong kinh doanh, phụ nữ thường bị mang tiếng xấu là phải có “gì đó” mới đạt được điều đó, chứ không phải do bản lĩnh hay tài năng của họ, khiến chúng tôi cảm thấy tủi thân”, chị Thủy nói. 
 
Tương tự, chị Đặng Thị Chúc Lan Chi, Giám đốc Công ty Vĩnh Tiến, chuyên sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của doanh nhân nữ là vừa phải đảm đương công việc gia đình, việc xã hội, lại phải hoàn thành công việc của công ty. Chúng tôi phải làm tròn 3 trách nhiệm đó. Do vậy, muốn thành công, chúng tôi phải nỗ lực hơn nam giới gấp đôi, gấp ba. Chúng tôi phải biết sắp xếp thời gian hợp lý cho cả việc gia đình và việc kinh doanh”.

Muốn thành đạt, phải cố gắng nhiều hơn nam giới
 
Theo Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, hiện nay cứ bốn doanh nhân thì có một doanh nhân nữ, tỉ lệ này khá cao so với thế giới. Đội ngũ doanh nhân nữ đang điều hành trên 100.000 doanh nghiệp, tạo ra nhiều công ăn, việc làm và góp phần phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước. 
 
“Phẩm chất cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo… đã giúp nhiều doanh nhân nữ vượt qua các thời kỳ ‘bão tố’ kinh tế vừa qua. Tỷ lệ doanh nghiệp nữ duy trì sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với các doanh nhân nam là một minh chứng. Nhiều doanh nghiệp do nữ doanh nhân lãnh đạo đã trở thành những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam…”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết.
 
Theo VCCI, tuy số lượng doanh nhân nữ chỉ bằng 1/3 doanh nhân nam nhưng tỉ lệ doanh nhân nữ được tôn vinh lại không hề thua kém nam giới. Đầu năm nay, 3 doanh nhân nữ của Việt Nam đã được tạp chí Forbes của Mỹ tôn vinh là bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của Vinamilk; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Ngân hàng cổ phần thương mại Đông Nam Á (SEA Bank).
 
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương: “Tinh thần kinh doanh của phụ nữ Việt Nam đã từng được ghi nhận trong những câu thơ của Tú Xương ‘Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng’. Ngày nay, dù phải chịu nhiều áp lực từ thương trường, tình hình kinh tế khó khăn… nhưng doanh nhân nữ Việt Nam vẫn gặt hái được nhiều thành công vì có tinh thần vượt khó và ý chí vươn lên mạnh mẽ”. 
 
Tiến sỹ Võ Trí Thành ghi nhận, là một doanh nhân thành đạt đã khó, là một nữ doanh nhân thành đạt còn khó gấp đôi. Vì ngoài công việc kinh doanh, các chị vẫn phải cố gắng giữ nếp sinh hoạt gia đình, duy trì từ những thứ bình dị nhất như: bữa ăn hàng ngày, đưa đón con đi học, dậy con học bài… Tuy nhiên, nhiều nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ giỏi kinh doanh mà còn đáng nể phục vì họ vẫn giữ được hạnh phúc gia đình”, ông Thành nói. 
 
baotintuc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo