Xã hội

Hàng Trung Quốc lợi dụng kẽ hở để tuồn vào Việt Nam

Phía Trung Quốc luôn tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa của họ xuất lậu sang Việt Nam, kể cả hàng hóa không đảm bảo ATTP, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng cấm …

Vận chuyển hàng lậu qua biên giới

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thắng Lợi  - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn (địa bàn nóng nhất về tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái) tại Hội thảo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giữa các nước CLMV được tổ chức ngày 6/11, tại Hà Nội.

 
Nói về tình trạng buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ông Lợi cho biết phương thức của các đối tượng buôn lậu hiện nay là: “Các chủ đầu nậu sang Trung Quốc đặt mua hàng, giao khoán cho các đối tượng “kai” vận chuyển hàng về và lôi kéo cư dân biên giới gánh, vác hàng vào nội địa, hoặc chở bằng ô tô chở khách, xe du lịch. 
 
Một hình thức khác là, gian lận về số lượng khi nhập khẩu như: vùi dưới hàng hóa nhập khẩu của những lô hàng không thuộc diện kiểm hóa toàn bộ, hoặc hàng hóa nhập khẩu theo hình thức chuyển cảng qua tuyến đường sắt liên vận từ Trung quốc về Hà Nội”.
 
Về các mặt hàng buôn lậu chủ yếu, ông Lợi cho biết: “Hàng lậu rất đa dạng về chủng loại, bao gồm các mặt hàng là hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Các mặt hàng chính như: điện tử, điện lạnh, máy công cụ cầm tay, đồ gia dụng, quần áo, trang thiết bị văn phòng, đồ dùng học sinh, giày dép, rau, củ, quả …”.
 
Về phương thức hoạt động của các đối tượng buôn lậu, ông Trương Quang Hoài Nam – Cục trưởng Cục QLTT cung cấp thêm bên lề hội thảo, ông Nam cho biết: “Các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng và vi phạm về vệ sinh ATTP luôn thay đổi phương thức và địa bàn hoạt động, lợi dụng triệt để các quy định chưa chặt chẽ, liên kết với các đối tác ở nước ngoài, cung cấp thông tin không trung thực cho các cơ quan chức năng, điều này gây khó khăn rất lớn cho lực lượng QLTT.
 
Về phía Trung Quốc luôn tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa của họ xuất lậu sang Việt Nam, kể cả hàng hóa không đảm bảo ATTP, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng cấm …”.
 
Cũng tại hội thảo đa số các đại biểu cùng thống nhất cho rằng chính tâm lý người tiêu dùng Việt Nam thích dùng hàng hiệu nhưng giá rẻ nên vô tình đã tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời khi mua phải hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ do tâm lý e ngại nên không đến các cơ quan có thẩm quyền để tố cáo.
 
Việc cấp và quản lý hóa đơn bán hàng của ngành chức năng cho các hộ kinh doanh cũng còn thiếu các quy định chặt chẽ và chế tài xử lý như: Tùy tiện phát hành hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng lậu; nhận quyển hóa đơn về đưa luôn cho đối tượng buôn lậu tự viết và phát hành hoặc xuất khống hóa đơn để thu tiền theo từng lô hàng hoặc theo tỷ lệ %; ghi hóa đơn tùy tiện, tên hàng, đơn vị tính, giá thấp hơn giá thực tế trên thị trường …
 
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan khác như: Đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối tắt; lực lượng mỏng (tổng lực lượng QLTT hiện nay là 5000 người phân bố trên cả nước); dân cư biên giới kinh tế còn khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp nên đã bị lôi kéo tham gia vận chuyển hàng lậu khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo