Hàng vạn hécta caosu bị tàn phá sau bão: Bộ NNPTNT không thể né trách nhiệm
Đến nay khi mà hàng chục nghìn hécta caosu tại khu vực Bắc Trung Bộ bị tàn phá nghiêm trọng và mới đây nhất, cơn bão số 11 lại tàn phá tiếp hàng trăm ngàn cây caosu tại các tỉnh Trung Bộ, thì nhiều cơ quan, đơn vị mới giật mình phát hiện mảng trống trong quản lý quy hoạch.
Trong khi các tỉnh và doanh nghiệp khẳng định họ làm theo quy hoạch, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về lĩnh vực này - vẫn lảng tránh sau thông điệp: Cây caosu ở miền Trung nằm ngoài quy hoạch?
Ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc quản lý quy hoạch trồng cây caosu ở miền Trung - Bắc Trung Bộ - khu vực từng được các chuyên gia khuyến cáo không nên phát triển cây caosu... Lao Động xin lược trích ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Đại biểu QH tỉnh Tây Ninh khóa XI, XII: Người dân đang trả giá cho sai lầm của Bộ NNPTNT
Việc phát triển cây caosu ở miền Trung trong thời gian qua trách nhiệm thuộc về cả phía trung ương (Bộ NNPTNT) và địa phương, nhưng trước hết là Bộ NNPTNT. Có thể nói, chủ trương phát triển cây caosu ở đây là không đúng, không phù hợp thực tế, và chưa có sơ sở khoa học; quy hoạch sai.
Chẳng hạn như việc, coi cây caosu là cây đa mục tiêu, để từ đó phá rừng trồng cây caosu và xem như vậy là trồng rừng (!). Trong khi thực tế cây caosu không thể thay thế cây rừng trong phòng, chống bão lũ, không thể là thảm thực vật như rừng tự nhiên để có thể chống xói mòn, mà ngược lại cây caosu lại là nạn nhân đầu tiên của bão lũ.
Không có cơ sở khoa học để đưa cây caosu vào trồng đại trà ở một số vùng như hiện nay; là bởi, cây caosu không thích ứng với vùng thường có bão, lũ, cũng như các vùng khí hậu lạnh, tầng đất mỏng, cao, dốc. Cơn bão số 10, số 11 đi qua, ở Bắc Trung Bộ cây caosu đã bị gãy đổ hàng loạt; trong khi giá lạnh ở vùng núi phía bắc vừa qua cũng làm cây caosu chết khá nhiều; ở Gia Lai, cây caosu cho rất ít mủ do không hợp thổ nhưỡng...
Thực tế này đang minh chứng cho những cảnh báo là đúng. Bộ NNPTNT đã buông lỏng quản lý việc trồng caosu cho địa phương; dẫn tới nhiều địa phương đã chặt quá nhiều rừng tự nhiên để trồng caosu tràn lan; biến rừng giàu thành rừng nghèo để đưa vào diện rừng được chặt phá để trồng caosu... Lúc này, bà con ở các vùng quy hoạch trồng cây caosu đang phải trả giá cho sai lầm của Bộ NNPTNT như nói trên, vậy đề nghị Bộ NNPTNT phải có ngay các đền bù, hỗ trợ cho bà con.
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Bộ NNPTNT không thể cứ im lặng!
Ta đã có nhiều bài học đắt giá về việc quy hoạch “trồng cây gì, nuôi con gì?”, rồi sau đó lại phá đi, bán đổ bán tháo đi như càphê, caosu, hay thủy - hải sản... Các bài học càng cho thấy quy hoạch phải có tầm nhìn xa, tránh chạy theo nhu cầu trước mắt, chạy theo phong trào... Cây caosu chỉ phù hợp với một số thổ nhưỡng, môi trường, khí hậu; chứ không thể bất kỳ nơi nào cũng trồng được.
Miền Trung là “túi hứng bão”, cây caosu thân cành rất giòn nên gặp gió bão là gãy, đổ như thực tế hiện nay. Người dân chắt chiu, vay nợ để có tiền tham gia dự án trồng caosu theo quy hoạch của Bộ NNPTNT, giờ trắng tay!
Về việc này, tôi được biết, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn rất bức xúc “tại sao Bộ NNPTNT lại quy hoạch trồng cây caosu ở miền Trung?”. Nguyên Phó Thủ tướng cho biết, chính ông đã từng ngăn cản việc trồng caosu ở miền Trung với quy hoạch diện tích lớn như vậy, vì độ rủi ro rất cao.
Tôi cho rằng, quy hoạch trồng caosu ở Bắc Trung Bộ là một tính toán phi kinh tế, liều lĩnh, không tính đến hiệu quả! Bà con miền Trung nhiều người vay nợ, thế chấp nhà cửa, dồn cả trăm triệu đồng vào cánh rừng caosu..., giờ mất hết cả!
Bộ NNPTNT cần phải có trách nhiệm chia sẻ với những bà con, hộ gia đình trồng caosu bị mất mát, bằng tinh thần và bằng đền bù, hỗ trợ vật chất; nhất là những bà con bị mất trắng, vì họ làm theo lời kêu gọi của ta, chủ trương của ta, quy hoạch của ta. Bộ NNPTNT cũng cần đề xuất, tham mưu cho Chính phủ việc này.
Bộ NNPTNT không thể cứ im lặng như vậy, mà phải bắt tay ngay vào thực hiện trách nhiệm của mình.
GS Nguyễn Minh Thuyết - ĐBQH khóa XI, XII: Diễn đàn Quốc hội từ các khóa trước đã cảnh báo gay gắt.
Việc quy hoạch, quản lý quy hoạch cây caosu ở miền Trung - “Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Chưa nói đến hệ lụy xấu về môi trường do việc phá rừng tự nhiên trồng cây caosu gây ra, trước mắt tình trạng nhiều cánh rừng cây caosu bị gãy đổ sau mỗi cơn bão vừa qua ở khu vực Bắc Trung Bộ đang đẩy nhiều người dân khu vực vào tình cảnh rất khó khăn. Nhiều gia đình đã nghèo, nghe theo tiếng gọi trồng caosu do Bộ NNPTNT quy hoạch và chỉ đạo, nay lâm vào cảnh khó khăn hơn.
Việc các tỉnh Bắc Trung Bộ được Bộ NNPTNT quy hoạch, theo đó phá rừng lấy đất trồng caosu với lý do đây là rừng nghèo kiệt, đã được không ít các ĐBQH nêu ra trong nhiều phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và các phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ NNPTNT ngay từ các kỳ họp Quốc hội khóa XI, XII. Các ĐBQH đã cảnh báo thực chất đây là hành động phá rừng (vì không phải là rừng nghèo kiệt), hơn nữa, cây caosu dễ gãy đổ.
Một số ĐBQH đã chất vấn liên tục nhiều phiên, khá gay gắt, tuy nhiên tình hình vẫn không thay đổi trong suốt thời gian dài. Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng; nay để ra tình trạng này, Bộ NNPTNT phải có trách nhiệm trước tiên. Các địa phương cũng có phần trách nhiệm. Trách dân thì khó, vì người dân không hình dung được chiến lược lâu dài thế nào, lợi ích đối với môi trường, kinh tế ra sao,...?
Tôi cho rằng, Bộ NNPTNT cần phải vào cuộc ngay thể hiện trách nhiệm của mình. Trước mắt Bộ NNPTNT phải có sự hỗ trợ, đền bù cho những bà con, những địa phương vì thực hiện trồng caosu theo chủ trương của Bộ NNPTNT mà rơi vào cảnh khốn khó. Mặt khác, bộ khẩn trương nghiên cứu để triển khai các giải pháp căn cơ, lâu dài cho vấn đề này.
Ông Phạm Đức Châu - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: Không thể nói người dân trồng caosu ngoài quy hoạch
Ảnh hưởng của cơn bão số 10 người trồng caosu ở Quảng Trị phải gánh thiệt hại quá lớn. Trước thực trạng caosu hư hại hiện nay, không thể đổ cho chuyện địa phương đã trồng caosu không theo quy hoạch được. Phải khẳng định rằng cây caosu đã tồn tại trên đất Quảng Trị từ lâu và đem lại lợi nhuận.
Vì vậy chúng tôi đề nghị phải có giải pháp hỗ trợ - UBND tỉnh cần kiến nghị với Nhà nước và Bộ NNPTNT để giúp đỡ dân khắc phục thiệt hại trước mắt. Và cũng cần xem lại quy hoạch vùng để có cây trồng phù hợp, định hướng và đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Ông Đồng Hữu Mạo - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế: Tôi nhấn mạnh vai trò của Bộ NNPTNT
Không phải chỉ năm nay mà qua nhiều năm, bão đã gây đổ gãy caosu, thiệt hại cho người trồng caosu là rất lớn. Tại Thừa Thiên - Huế, cơn bão năm 2006 gây thiệt hại khá nặng. Từ đó đến nay người dân đã trồng lại, chưa đến giai đoạn cạo mủ lại bị gãy đổ tiếp - bão số 11 quật ngã 190ha caosu tại huyện Nam Đông.
Người dân trồng cây caosu trồng 6-7 năm mới cạo mủ, vốn đầu tư rất lớn, chưa lấy được vốn thì bị bão tàn phá. Tôi nhấn mạnh vai trò của Bộ NNPTNT, bởi đây là vấn đề rất lớn giải quyết đời sống cho người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo