Thị trường

Hàng Việt bị làm giả

Nhiều thương hiệu uy tín của Việt Nam tổn hại lớn vì sau khi bán hàng sang Trung Quốc đã bị chính đối tác của mình ở nước này lấy cắp mẫu mã, đem đi đăng ký sở hữu rồi làm giả sản phẩm để bán với giá cực rẻ

Trước nay, làm ăn với thương nhân Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam thường bị thua thiệt. Từ chỗ ào ạt thu mua với giá cao, sau đó bất ngờ ngưng lấy hàng đến việc dựng lên các hàng rào kỹ thuật để gây trở ngại, thương nhân Trung Quốc đã không ít lần khiến các đối tác phía Việt Nam điêu đứng. Mới đây, nhiều chủ DN nước ta tá hỏa khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả và bán phá giá tại Trung Quốc.

 

Sơ hở là mất

 

Trước khi đưa hàng vào thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, đã cẩn trọng đăng ký sở hữu thương hiệu tiếng Việt cho Vinamit tại nước này. Thế nhưng, ông Viên lại quên đăng ký sở hữu thương hiệu bằng tiếng Hoa, thế là liền bị đối tác lấy thương hiệu Vinamit đăng ký để kinh doanh riêng.
 
Tháng Ba vừa qua, ông Viên sang dự một hội chợ ở Trung Quốc và phát hiện các sản phẩm của Vinamit (nông sản chế biến, sấy khô) bị làm giả nguyên xi, từ nhãn hiệu cho đến địa chỉ, số điện thoại tại Việt Nam. “Cho dù hôm nay mình đang làm ăn rất tốt với họ nhưng ngay hôm sau họ quay lại “giết” mình ngay tức khắc” - ông Viên bức xúc. Cũng qua chuyến đi này, ông Viên còn bắt gặp sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam bị làm giả, bán tràn lan ở Trung Quốc. Ông cho biết: “Họ mở khá nhiều cửa hàng chuyên bán loại cà phê này, kể cả giới thiệu hình ảnh, lịch sử cà phê Buôn Ma Thuột”.
 

Một doanh nghiệp sản xuất hóa mỹ phẩm ở phía Bắc (xin giấu tên) cũng đã nếm trải bài học cay đắng như Vinamit. Hàng của doanh nghiệp này đưa sang Trung Quốc bán rất chạy, đến nỗi cung không kịp cầu. Nào ngờ, trong thời gian hợp tác “mặn nồng” đó, đối tác phía Trung Quốc âm thầm lấy thương hiệu của doanh nghiệp hóa mỹ phẩm Việt Nam đi đăng ký sở hữu tại nước của họ và nhanh chóng tổ chức sản xuất hàng hóa giống y chang mẫu mã và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam rồi tung hàng ra thị trường. Thế là doanh nghiệp hóa mỹ phẩm kia của Việt Nam cầm cự không nổi, phải phá sản.



Thương nhân Trung Quốc không chỉ làm giả kiếng Đình Quốc mà còn bán với giá thấp, gây thiệt hại lớn cho công ty ông. “Vì uy tín của công ty mình nên phải cắn răng chịu đựng, tìm biện pháp khác đối phó” - ông Quốc chia sẻ.

Ông Đoàn Đình Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Kiếng Đình Quốc

 

Theo ông Lê Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina), vỏ ruột xe của công ty lâu nay chủ yếu chỉ tiêu thụ tại khu vực mậu biên với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh tay làm giả vỏ ruột xe Casumina với số lượng lớn, xuất bán sang nước thứ ba, thậm chí đưa sang Việt Nam bán phá giá với mức giá chỉ bằng… một nửa của Casumina! Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm, gây thiệt hại về mọi mặt cho Casumina vì vỏ ruột xe giả của Trung Quốc có chất lượng kém do được làm từ cao su tái sinh.

 

Kềm Nghĩa cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Phạm Ngọc Ảnh, Giám đốc kinh doanh thị trường Đông Dương - Công ty Kềm Nghĩa, cho biết sản phẩm của Kềm Nghĩa xâm nhập thị trường Trung Quốc thông qua nhà phân phối ở nước này.

 

Chỉ sau một thời gian ngắn, chính nhà phân phối đó đã làm giả sản phẩm Kềm Nghĩa và đăng ký bảo hộ thương hiệu Kềm Nghĩa tại Trung Quốc. “Qua vụ đó, chúng tôi mất trắng tại thị trường Trung Quốc, không thể kiện cáo gì được!” - ông Ảnh chua chát.

 

Được vạ má đã sưng

 

Thủ đoạn của các doanh nghiệp Trung Quốc là khi thấy hàng Việt Nam bán chạy, họ nhanh chóng lấy mẫu mã đem đi đăng ký sở hữu trước rồi tổ chức sản xuất sản phẩm giống y chang để tung ra thị trường với giá cạnh tranh và dần chiếm lĩnh thị trường. Những mặt hàng Việt Nam bị làm giả nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực để theo đuổi vụ kiện hoặc tìm cách khác để giành lại thị phần thì kể như không còn đất sống ở Trung Quốc. 

 

Chia sẻ về những thất bại khi làm ăn với đối tác Trung Quốc trong giai đoạn đầu, ông Nguyễn Lâm Viên kể rằng do không biết tiếng Hoa nên ông phải thuê phiên dịch. Hậu quả là Vinamit đã mất 70.000 USD do người phiên dịch cố ý dịch sai để câu kết với đối tác Trung Quốc nhằm trục lợi.
 
Chưa hết, sản phẩm Vinamit khi đã có chỗ đứng tại thị trường này thì bị đại lý ở đây lấy mẫu mã mang đi đăng ký sở hữu riêng, trong nhiều tháng trời Vinamit không hề hay biết, đến khi nhận thấy doanh số tại thị trường này ngày càng sụt giảm, công ty mới tổ chức điều tra. Sau khi tốn kém rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, Vinamit mới phát hiện được sản phẩm của mình bị chính đối tác Trung Quốc ăn cắp thương hiệu và làm giả. Không chịu thua, Vinamit thuê luật sư kiện đòi lại thương hiệu. Mất hơn 2 năm, vụ kiện này mới kết thúc, Vinamit “được vạ má đã sưng” vì tốn hàng trăm ngàn USD.
 

Tại thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn tồn tại cùng lúc hai loại sản phẩm Kềm Nghĩa giả và thật. Theo ông Phạm Ngọc Ảnh, để chống lại hàng giả từ Trung Quốc, Kềm Nghĩa đã phải chấp nhận bỏ một số nhãn hiệu, mẫu mã trước đó để thay logo, mẫu mã mới hoàn toàn, đồng thời đăng ký bảo hộ thương hiệu Kềm Nghĩa tại Trung Quốc. Công ty này còn phải tốn khoản tiền không nhỏ để công bố rộng rãi sản phẩm mới của mình tại thị trường Trung Quốc.

 

Ông Lê Văn Trí kể: Khi vỏ ruột xe Trung Quốc giả nhãn hiệu Casumina được xuất bán sang nước thứ ba, cho dù đại diện Casumina đã đích thân đến những nước này để giải thích, chứng minh rằng đó là sản phẩm Casumina giả nhưng chẳng ai nghe. Casumina đành năn nỉ và bóp bụng bán cho họ vài container hàng chính hãng với giá rẻ hơn hàng giả của Trung Quốc đến 30%, cốt chỉ để họ so sánh chất lượng nhằm biết đâu là hàng thật, đâu là giả!

 

Theo NLĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo