Hàng Việt khẳng định thế mạnh
Hội chợ đồ dùng gia đình Tết 2018 đang diễn ra tại Cung thể thao Quần Ngựa, Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội từ ngày 3/2 đến ngày 10/2/2018 đã thu hút hàng nghìn khách hàng đến tham quan mua sắm Tết.
Chị Trần Thị Tuyết (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, để chuẩn bị cho Tết cổ truyền, chị đã cùng vài người bạn tham quan và mua sắm tại hội chợ. Năm nay các sản phẩm chủ yếu là hàng Việt Nam với mẫu mã đa dạng, nhiều chủng loại đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình chị, từ các thiết bị nội, ngoại thất, hàng tiêu dùng đến các giỏ quà tết phong phú…
Theo chị Tuyết, chị lựa chọn mua sắm các sản phẩm hàng Việt không chỉ vì yên tâm về nguồn gốc xuất xứ mà hàng Việt giờ cũng đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo mà giá thành cũng rất phù hợp với người tiêu dùng.
Theo ban tổ chức, Hội chợ đồ dùng gia đình Tết 2018 đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp Việt tham gia. Hiện đã có hơn 300 gian hàng của rất nhiều doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Hội chợ là nơi mua sắm các mặt hàng đồ dùng gia đình, sản phẩm hàng tiêu dùng, đặc sản vùng miền, các sản phẩm dệt may, da giầy, quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm, dụng cụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, đồ uống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống... Đến thời điểm hiện tại hội chợ lúc nào cũng thu hút một lượng lớn người dân đến mua sắm.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hapro Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết, hàng Việt Nam hiện đã giữ vững được thị trường có thể cạnh tranh sòng phẳng với các mặt hàng nước ngoài bằng cả chất lượng, giá cả và mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt với sự cam kết chỉ bán hàng đảm bảo an toàn, nguồn gốc xuất xứ nên các doanh nghiệp Việt đang chiếm nhiều lợi thế trên sân nhà.
Có thể nói, những năm gần đây các doanh nghiệp trong nước đã liên tục đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và giảm giá thành đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Hàng loạt các thương hiệu Việt đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như bánh kẹo Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, thực phẩm chế biến Vissan…
Đại diện CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết, bánh kẹo Việt chiếm thế áp đảo ở các siêu thị lớn và ở nhiều cửa hàng bán lẻ. Với tâm lý sắm Tết an toàn, cùng với sự chuyển biến trong nhận thức từ cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đã tác động trực tiếp và rõ nét đến xu hướng, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các thương hiệu tin cậy những ngày Tết.
Hiện Hữu Nghị đang tung ra thị trường phục vụ Tết nhiều loại bánh kẹo và giỏ quà tết đáp ứng nhu cầu người dân. Với thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường, Hữu Nghị cam kết đem đến khách hàng các sản phẩm chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Theo Sở Công thương Hà Nội, đa phần hàng hóa phục vụ thị trường Tết là từ nguồn cung của các doanh nghiệp trong nước, như rau, củ, quả từ: Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hải Dương, Sơn La; thịt lợn, gà từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Nhằm phục vụ các mặt hàng phục vụ Tết, các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ cùng hệ thống trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, đảm bảo người dân được mua sắm hàng Việt chất lượng, đúng giá. Đồng thời tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt, 200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện, khu công nghiệp.
Việc doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là hoạt động góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời phát triển và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong nước…
Sở Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải bày bán hàng Việt Nam chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng mua sắm an toàn tránh bị hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo