Hàng Việt Nam “chiếm lĩnh” thị trường Tết
Các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết Nguyên đán như bánh - kẹo, mứt Tết, đồ uống giải khát ở thời điểm hiện tại chưa có chiều hướng tăng cao và mức chênh lệch giữa các hệ thống siêu thị với các đại lý bán lẻ khá thấp. Đáng lưu ý, trên kệ của các nhà phân phối mặt hàng chiếm ưu thế đang là các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Dạo qua các hệ thống siêu thị và trung tâm mua sắm lớn tại Hà Nội như METRO, Big C, LOTTE Mart, Fivimart…, rất nhiều người tiêu dùng cảm thấy khá hài lòng về giá của những mặt hàng thiết yếu cần sắm trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Bên cạnh các chương trình ưu đãi được tổ chức thường xuyên, dịp Tết này, người tiêu dùng còn có cơ hội tham gia chương trình bốc thăm may mắn.
Theo khảo sát của phóng viên, các loại mứt tết - bánh kẹo của Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica chỉ có giá chênh nhau từ 10.000 – 20.000 đồng. Giá các mặt hàng kẹo trong nước dao động từ 6.000 – 150.000 đồng/gói hoặc hộp. Các sản phẩm được mua nhiều như: hạt điều rang muối loại 250g giá chỉ 86.000 đồng/hộp, loại 450g có giá 246.000 đồng/hộp, hạt dẻ cười loại 300g có giá từ 129.000 đồng/gói. Nhiều loại mứt truyền thống đã được bày bán tại chợ như mứt me giá 100.000 đồng/kg, mứt dừa dẻo 120.000 đồng/kg, mứt đào 160.000/kg, mứt quất 110.000 đồng/kg. Trong khi đó, các sản phẩm mứt mang thương hiệu Việt xuất hiện nhiều trong siêu thị được đóng hộp hoặc túi với trọng lượng từ 300 – 500g có giá từ 42.500 – 65.800 đồng/hộp....
Chị Hà Phương (Ba Đình, Hà Nội) - một khách hàng đang sắm tết tại tại Fivimart Đội Cấn cho biết: "Trong những năm gần đây, tâm lý sính ngoại của người dân đã giảm dần. Các sản phẩm Việt ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng do được đầu tư kỹ lưỡng về mặt sản xuất, chất lượng, mẫu mã lại đa dạng. Đặc biệt, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng tại Việt Nam khiến người Việt ngày càng an tâm và tin tưởng hơn vào sản phẩm nội. Hơn nữa, kinh tế ngày càng khó khăn, nhiều sản phẩm có mức giá hợp lý và rẻ hơn so với các mặt hàng cùng loại, nên không có lý do gì người tiêu dùng lại không lựa chọn sử dụng sản phẩm nội nhiều hơn.”
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù có sự chênh lệch không nhiều về giá của các mặt hàng cùng loại có xuất xứ từ nước ngoài, tuy nhiên tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt vẫn còn khá nhiều. Trong thời gian tới, để có thẩy đẩy mạnh xu hướng Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến nhiều yếu tố, đặc biệt là về vấn đề chất lượng và giá.
Theo DDDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo