Thị trường

Hàng Việt nhìn từ chợ Đồng Xuân

Trong tuần này, các hoạt động vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” diễn ra dồn dập ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước… Chợ Đồng Xuân, một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở phía bắc, được nhắc đến như một điển hình, chứng minh những nỗ lực cho vận động dùng hàng Việt Nam.

Bởi ở đây, qua khảo sát, cách đây ba năm hàng Trung Quốc chiếm khoảng 80% thì nay ở nhiều ngành hàng chiếm đến 70% hàng Việt bày bán.

Nhưng hơn 2.300 tiểu thương chợ Đồng Xuân đã không nhận đó là “công” của họ. Trong cuộc đối thoại đầu tuần với các nhà quản lý, doanh nghiệp, một số hộ kinh doanh nói thẳng: Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép ở vùng biển Việt Nam, nhiều khách hàng khi đến chợ chỉ hỏi mua hàng Việt Nam. Việt kiều về nước qua chợ cũng chỉ hỏi mua hàng Việt để làm quà. Chính những thương nhân TQ, do cảm nhận không khí ấy, đã không còn đến tận chợ tiếp thị, cung cấp hàng hóa... Để đáp ứng nhu cầu, các tiểu thương chợ Đồng Xuân bắt đầu phải tìm mua hàng VN về bán.

Nói là “phải tìm”, vì theo lời nhiều hộ kinh doanh ở  ngôi chợ vốn lâu nay được coi là “trung tâm phân phối hàng Trung Quốc” hay “một chợ Tân Thanh (Lạng Sơn) ở Hà Nội” này, có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam tự tìm đến cung cấp hàng cho tiểu thương. Chỉ có các làng nghề, một số công ty nhỏ và công ty nước ngoài coi đây là nơi khá tốt để tiếp thị, đưa hàng đến các ngõ ngách, không chỉ các chợ nhỏ ở Hà Nội mà ở nhiều tỉnh phía bắc... nên họ đã chủ động tìm đến 2 - 3 năm nay. Còn thì, các tiểu thương muốn bán hàng Việt phải qua các đại lý trung gian của các công ty để lấy hàng về, với giá bán khó cạnh tranh.

“So với thương nhân Trung Quốc, các vị hơi bị kém đấy”, đó là nhận xét của một tiểu thương khi đối thoại với các doanh nhân Việt Nam. Câu nói này nhận được sự tán đồng của hầu hết tiểu thương Đồng Xuân, bởi lâu nay nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, từ giám đốc, đến nhân viên đã tìm đến từng hộ ở chợ này có khi chỉ để bán 10 - 20 đôi giày, đôi tất... Trong khi các doanh nghiệpViệt thì chê, phải từ vài trăm sản phẩm trở lên mới bán.

Thời cơ đã đến để các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt và các hộ kinh doanh, không chỉ ở chợ Đồng Xuân mà ở nhiều chợ lớn, nhỏ trung tâm thương mại hiểu nhau hơn và là thời cơ tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh trở lại thị trường nội địa. Nhưng bằng cách nào, bằng kênh nào... thì chính họ phải chủ động, tìm đến giới thiệu, có cách tiếp cận những hộ kinh doanh, dù nhỏ nhưng giúp cho hàng Việt có thể len lỏi đến từng ngõ ngách thị trường.

Theo Thanh Niên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo