Thị trường

Hàng Việt sẽ 'chinh phục được thế giới' nếu...

Đại diện một nhà phân phối lớn của Thái Lan nói rằng 'hàng Việt chất lượng khá tốt. Nhưng hàng hóa của các bạn muốn vào được hệ thống phân phối của chúng tôi thì cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Đơn giản là chúng tôi cần bảo đảm rằng sản phẩm mình đang phân phối thực sự tốt cho người tiêu dùng”.

Tham gia Hội chợ - Triển lãm ThaiFex tại Bangkok, Thái Lan, hàng nông thủy sản hữu cơ “Made in Vietnam” đã nhận được sự quan tâm của các nhà phân phối quốc tế cũng như các hệ thống bán lẻ ngay tại “sân nhà” của Thái Lan.

 Trong những ngày diễn ra Thaifex (từ 29/5 đến 2/6), nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với hàng chục khách hàng, nhà phân phối ngay tại hội chợ.

Ngôi nhà chung của hàng Việt tại ThaiFex. Ảnh: VGP/Phương Hiền.

Riêng Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triên nông nghiệp (VinEco) đã tiếp xúc được 25 khách hàng doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hiếu, phụ trách thị trường khu vực châu Á, châu Phi của Cà phê Trung Nguyên cho hay “khách hàng tại ThaiFex tới từ rất nhiều nước như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Năm trước thị trường Thái Lan đem về cho Trung Nguyên 1,5 triệu USD, năm nay chúng tôi muốn đạt khoảng 3 triệu USD”.

Báo cáo sơ lược từ các nhà tổ chức của đoàn doanh nghiệp Việt Nam cho thấy các sản phẩm Việt “hút” khách tham quan nhiều nhất ở khu nông sản hữu cơ (organic) là gạo, dừa và trái cây sấy.

Nhận xét về tương quan với hàng hóa từ các nước khác, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng nhìn chung bao bì sản phẩm Việt vẫn chưa thể so sánh với các nước. Nhưng chất lượng và độ tinh tế của sản phẩm thì không hề thua kém.

Ông Huỳnh Nguyễn Khang Duy, Giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu Công ty Thực phẩm Phạm Nghĩa (Cần Thơ) cho hay đây là lần đầu tiên DN mang ra thế giới mặt hàng cá thác lác chế biến - sản phẩm đã được Vườn ươm công nghệ Hàn Quốc tại Cần Thơ cấp chứng chỉ. “Không có nhiều nước sản xuất mặt hàng thủy sản có giá trị cao này nên chúng tôi đã có cơ hội gặp tỷ phú Soofeen Hu (Hồng Kông), được nhận đánh giá cao về sản phẩm. Một số khách hàng từ Australia, Nhật, Thái Lan, Malaysia cũng đang đề nghị doanh nghiệp gửi thông tin về sản phẩm và báo giá”, ông Duy cho biết.

 

Bà Lê Thanh Diễm (Công ty Bột thực phẩm Tấn Sang) hào hứng thông báo “đối tác đang yêu cầu doanh nghiệp cam kết cung ứng hàng với số lượng lớn. Đồng thời khơi gợi cho doanh nghiệp ý tưởng sáng tạo thêm sản phẩm mới”.

Theo Ban Tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia ThaiFex, trong số 50 doanh nghiệp tham gia theo các danh mục khác nhau (thực phẩm nhượng quyền, thực phẩm không tinh bột, thực phẩm cho người theo đạo Hồi, thực phẩm chức năng và sức khỏe, sản phẩm organic, sản phẩm có nhãn hiệu độc quyền, sản phẩm cho người ăn chay…), đoàn Việt Nam mới chỉ có một đại diện “thử lửa” là Betrimex (Bến Tre) với sản phẩm nước dừa Cocoxim.

Một trong những nhà phân phối lớn của Thái Lan, ông Norachai Ratanabanchuen - Trợ lý Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CP Food, cho hay ông đã gặp và thảo luận với 4 doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Ratanabanchuen nói: “Tôi thấy hàng Việt chất lượng khá tốt. Nhưng hàng hóa của các bạn muốn vào được hệ thống phân phối của chúng tôi thì cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, ví dụ các chứng nhận về an toàn thực phẩm, HACCP, ISO… Chúng tôi cần bảo đảm rằng sản phẩm mình đang phân phối thực sự tốt cho người tiêu dùng”.

Người đại diện của chuỗi bán lẻ này cũng tin rằng cho dù Việt Nam có nhiều sản phẩm tương tự hàng Thái nhưng vẫn còn chỗ cho các nhà cung cấp Việt cạnh tranh. Cá basa là một ví dụ, “nếu tiếp tục giữ được chất lượng tốt, tuân thủ các tiêu chuẩn và giá cả phải chăng thì hàng Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất Thái Lan”, ông Ratanabanchuen cho biết.

 

Ông Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Food Retail Group, Đại sứ châu Á về chỉ dẫn địa lý của Liên Hợp Quốc cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế về các chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển nhận thức của người dân dưới nhiều hình thức truyền thông để chính họ có thể trở thành người quảng bá thuyết phục nhất về tác động, lợi ích của chỉ dẫn địa lý, cập nhật được tình hình thị trường, cách bảo vệ sản phẩm...”.

Như vậy có thể nói rằng lần “đem chuông đi đánh xứ người” này của hàng Việt dù thành quả thu được chưa đủ làm hài lòng  các nhà tổ chức (gồm Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan và Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao) nhưng ít ra đã cho thấy hàng Việt vẫn có thể thu hút sự quan tâm của các nhà phân phối quốc tế.

Nên đọc
Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo