Thị trường

Hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Chi Lê được miễn, giảm thuế

(DNHN) - Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Chi Lê đã có bước tăng trưởng khá trong thời gian qua, tuy nhiên theo các chuyên gia thì kim ngạch xuất nhập khẩu phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Khi FTA chính thức có hiệu lực thì đây được coi là cơ hội vàng cho doanh nghiệp hai nước. Theo đó, 100% hàng hóa Việt Nam hiện đang xuất khẩu vào thị trường Chile sẽ được miễn giảm thuế, ngược lại hàng hóa Chile vào Việt Nam cũng

FTA – tấm vé thông hành cho doanh nghiệp hai nước

           

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Chi Lê vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết: thương mại giữa hai nước đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều từ 157 triệu USD năm 2007 đã tăng lên 473 triệu năm 2011, tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 30%.

 

Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Chi Lê như: Giày dép, quần áo (chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu), máy và phụ tùng, thủy sản, cà phê, hàng tiêu dùng… trong khi Việt Nam cũng nhập khẩu từ Chi Lê khoảng hơn 480 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu như đồng, bột giấy, rượu vang, trái cây… Như vậy có thể thấy, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không cạnh tranh nhau mà còn bổ trợ cho nhau.

 

Theo ông Khiên, mặc dù Chi Lê là thị trường rất tiềm năng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn phát triển chưa tương xứng, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam còn dè dặt khi tiếp cận thị trường này. Nguyên nhân là do Việt Nam và Chi Lê có khoảng cách khá xa về địa lý cũng như khác nhau về ngôn ngữ đã khiến DN Việt Nam chưa thực sự muốn khai thác ở thị trường này. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước có hiệu lực.

 

Trước đó, FTA đã được hai nước ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hawaii, Hoa Kỳ vào tháng 11/2011 và không có gì thay đổi, trong khoảng từ nay đến tháng 6/2012, FTA sẽ chính thức có hiệu lực. Nếu điều này thành hiện thực, hai nước sẽ cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng.

 

Cụ thể, Chi Lê cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2007) trong thời gian 10 năm. Trong đó, 83,54% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Danh mục loại trừ của Chilê có 29 dòng thuế, trong đó Việt Nam không xuất khẩu qua Chilê các mặt hàng này.

 

Ông Khiên cho biết, hiệp định FTA đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đồng thời thông qua Chi Lê, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận với thị trường Châu Mỹ dễ dàng hơn.

 

Theo thông tin tại diễn đàn doanh nghiệp Chile – Việt Nam, với việc Quốc hội Chile thông qua FTA với Việt Nam, 100% hàng hóa Việt Nam hiện đang xuất khẩu vào thị trường Chile sẽ được miễn giảm thuế, ngược lại hàng hóa Chile vào Việt Nam cũng rẻ hơn trước.

 

Thị trường tiềm năng

 

Tại diễn đàn, ông Felix de Vincente - Giám đốc ProChile và ông Andrés Concha - Chủ tịch Liên đoàn xúc tiến công nghiệp Chi Lê (SOFOFA) đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế - chính trị của Chi Lê cũng như các thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có ý định đầu tư kinh doanh tại đất nước Nam Mỹ này. Ông Ronald Brown - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu trái cây Chi Lê đã có phần trình bày khá thú vị về sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Chi Lê. Ông tự hào: “Có đến 82 triệu người trên thế giới ưa thích trái cây Chi Lê”.

 

Chi Lê sẽ là “cửa ngõ” cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ Latinh và ngược lại, Việt Nam sẽ là “cửa ngõ” cho Chi Lê phát triển giao thương sang các nước trong khu vực Châu Á. Giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh từ 18,69 triệu đô la Mỹ năm 2000 đã tăng lên đến 499 triệu đô la Mỹ vào năm 2011 (mức tăng trung bình 30%/năm).

 

Người tiêu dùng Việt Nam ưu chuộng sản phẩm rượu vang Chi Lê và hiện rượu vang Chi Lê đã chiếm 20% thị trường vang tại Việt Nam, chỉ sau vang Pháp. Các sản phẩm của Việt Nam đã xuất hiện tại thị trường Chi Lê từ nhiều năm qua nhưng trong tương lai cần khẳng định mạnh mẽ hơn thương hiệu của mình. Hiện tại, một số nhà đầu tư hàng đầu Chi Lê trong các lĩnh vực tài chính, công nghiệp, viễn thông và dược phẩm đã đến Việt Nam thăm dò khả năng đầu tư.

 

Tại diễn đàn, hai doanh nghiệp Chi Lê là CFR Pharmaceuticals (Dược phẩm) và Tiaxa (CNTT-Viễn thông) cùng 2 doanh nghiệp Việt Nam là GODACO (thủy sản) và TDS (sành sứ) đã cùng chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam và Chi Lê. Ông Felipe Valdes – Giám đốc điều hành Tiaxa khẳng định: “Việt Nam với những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, môi trường kinh tế - chính trị ổn định, chất lượng nguồn nhân lực cao... mở ra vô vàn cơ hội cho doanh nghiệp Chi Lê đầu tư”.

 

Ông Trần Đình Văn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ - người từng có kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm tại Nam Mỹ chia sẻ: “ Các doanh nghiệp Chi Lê vốn uy tín, nghiêm túc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng đảm bảo vấn đề thanh toán và rất trung thực. Bên cạnh đó, Chi Lê cũng sẽ là cầu nối giúp Việt Nam có thể tiếp cận và giao thương với nhiều quốc gia tiềm năng  khác ở khu vực Mỹ La Tinh”.

 

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu, thông tin từ Diễn đàn cho biết, hiện Chi Lê nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng hàng năm rất lớn khoảng 16 tỷ USD, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như thủy sản, gạo, cà phê… cũng sẽ có lợi thế lớn khi hiệp định FTA có hiệu lực, lúc đó thuế nhập khẩu của Chi Lê sẽ về 0%.

 

Để có thể thâm nhập thị trường Chi Lê ngày tốt hơn nữa thì các doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục để phát triển lên một tầm cao mới. Chẳng hạn như một số mặt hàng của Việt Nam vẫn phải mang thương hiệu nước ngoài mà vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp với các doanh nghiệp Chi Lê, như vậy sẽ dễ thành công hơn. Còn khi sản phẩm chưa có thương hiệu, thì doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với các nước thứ ba cũng rất quan trọng, qua đó mượn thương hiệu của họ để tiếp cận thị trường Chi Lê dễ dàng hơn.

 

Nhật Vy

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo