Hành vi mới của Trung Quốc đáng sợ hơn “Cửu Long khuấy biển“
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 4.6 có bài viết cho rằng, những động thái hung hăng của Trung Quốc (TQ) trên Biển Đông là sản phẩm của chính sách đối ngoại thiếu nhất quán, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh của nhiều cơ quan chính phủ TQ mà người ta gọi là "những con rồng khuấy biển" (như ngư chính, hải giám, hải cảnh, dầu khí...), trong đó kẻ nào hiếu chiến nhất thường giành được lợi thế.
"Cửu Long khuấy biển"
Chính sách kèn cựa, không ai chịu nhường ai của các con rồng TQ được gọi dưới cái tên mỹ miều "Cửu Long khuấy biển", và nó đã thay thế cho cách tiếp cận trật tự, thân thiện hơn với khu vực trong những năm 1990. Nhưng những động thái mới nhất của TQ đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo với Mỹ và các nước láng giềng của TQ, trong đó đáng kể nhất là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam (VN).
Dường như đây không phải là kết quả của một sự hỗn loạn trong chính sách, mà là kế hoạch có chủ ý. Các nhà phân tích an ninh đối ngoại cho rằng, hành động này dường như có sự tập trung phối hợp ở cấp cao nhất. Nếu đúng như vậy, điều đó cho thấy, chính sách không nhượng bộ của TQ về tranh chấp lãnh thổ ngày càng gay gắt hơn. Và do đó sẽ rất khó khăn để hy vọng về một sự thỏa hiệp, vốn đang hết sức cần thiết để tránh bùng phát xung đột nghiêm trọng trong khu vực.
Cuối năm ngoái, TQ thành lập Uỷ ban An ninh siêu quyền lực, một phần nhằm mang lại trật tự cho "9 con rồng", bao gồm Quân Giải phóng Nhân dân TQ, các cơ quan thực thi hàng hải và những tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước. "Cửu Long" là chính sách đối ngoại được thực hiện vì những mục đích hẹp hòi của chính họ. Hầu hết các cơ quan này không có kinh nghiệm về đối ngoại. Một số thường có hành động hiếu chiến để cạnh tranh với các cơ quan khác trong việc xin phân bổ ngân sách. Một số khác (chủ yếu là chính quyền địa phương) cố gắng mở rộng hoạt động kinh tế trong các vùng tranh chấp, nhằm mục tiêu tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Mặc dù động cơ của các bộ ngành chỉ là tranh giành lợi ích cục bộ, nhưng lại có tác động lớn đến đối ngoại.
Trơ tráo khẳng định chủ quyền
Sau khi Uỷ ban An ninh quốc gia siêu quyền lực của TQ được thành lập, những động thái ngang ngược của TQ không còn được xem là sai lầm chiến thuật nữa. vậy câu hỏi đặt ra là, mục đích chiến lược mà TQ đang theo đuổi là gì? Kể từ khi giới lãnh đạo mới lên nắm quyền, "giấc mơ Trung Hoa" ngày càng được hun đúc, với ý tưởng khôi phục lại vị trí thống trị của TQ trong khu vực. Trong số đó, TQ đặt mục tiêu giành lại cái mà họ gọi là "lãnh thổ đã mất" vào tay Nhật Bản, sở hữu vùng biển của các nước Đông Nam Á, trong đó có VN và Philippines.
Do đó, không có gì khó hiểu khi TQ cùng một lúc gây ra hàng loạt cuộc đối đầu với nhiều quốc gia Châu Á. Tàu thuyền TQ liên tục xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, mà TQ gọi là Điếu Ngư. Hành động này khiến Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy lập trường quân sự cứng rắn hơn, nhờ điều đó mà vị thế của ông Abe ngày càng được tăng cường trong khu vực.
Tương tự, giàn khoan Hải Dương 981 mà TQ hạ đặt trái phép ở vùng biển không có nhiều hy vọng về trữ lượng dầu khí của VN, là hành động khiêu khích có chủ ý, được thúc đẩy bằng động cơ chính trị hơn là cơn khát tài nguyên. Trong khi đó, chịu áp lực của TQ, Philippines quyết định kiện TQ lên tòa án của LHQ. VN cũng tuyên bố cân nhắc có hành động pháp lý tương tự như vậy.
Nhiều chuyên gia phân tích chính sách và các quan chức cao cấp ở Mỹ và Châu Á cho rằng, thời điểm đã được TQ tính toán kỹ càng. Nó phản ánh niềm tin của TQ rằng, TQ đang đối phó với một tổng thống Mỹ yếu kém, sau thất bại trong việc can thiệp quân sự vào Syria và Ukraina. Do đó, TQ tin rằng, có cánh cửa cơ hội để nước này trơ tráo khẳng định chủ quyền trong khu vực.
Tuy nhiên, trên thực tế, căng thẳng đã bùng phát tại Đối thoại Shangri-La 2014 ở Singapore, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc TQ "hành động đơn phương, gây bất ổn" ở Biển Đông. Trong khi đó, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ Vương Quán Trung mạnh mồm phản bác, nói rằng, phát biểu của ông Hagel "đầy tính bá quyền, từ ngữ hăm dọa, khiêu khích và thách thức TQ".
Richard Rigby - cựu nhà ngoại giao Australia, hiện là giám đốc điều hành Trung tâm TQ tại Đại học quốc gia Australia - nói rằng, cách thức của TQ có thể tóm tắt như thế này: "Cứ xông tới ở những nơi có thể". Ông cũng lưu ý tới một loạt vấn đề mà TQ phải đối mặt trong nước. "Trong những tình huống đó, anh không thể tỏ ra yếu ớt trên trường quốc tế" - ông Rigby nói. Đối với khu vực quanh năm lo ngại về sự trỗi dậy của TQ, "Cửu Long" cũng đã đủ đáng sợ. Tuy nhiên, những hành vi mới nhất của TQ, còn khiến người ta lo lắng hơn nhiều.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo