Hát mãi khúc quân hành
Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng nhắc đến những kỷ niệm về thời gian trong quân ngũ, ông tôi có thể kể chính xác đến từng ngày tháng.
Tự hào người lính cụ Hồ Từng theo học cấp 3 trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An), giống với nhiều chàng trai Hà Nội nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tôi xung phong đi bộ đội. Ông nhập ngũ ngày 13/12/1965, khi ấy ông vừa tròn 24 tuổi.
Đơn vị của ông tôi là Trung đoàn tên lửa phòng không 274, vinh dự nhận trách nhiệm bảo vệ sân bay Nội Bài, bảo vệ phía Bắc Hà Nội. Ông kể rằng: Trước khi tham gia chiến đấu, các chiến sĩ tên lửa phòng không phải trải qua đợt huấn luyện kéo dài ba tháng tại rừng Yên Thế. Nước bạn Liên Xô cũng cử một trung đoàn tên lửa sang Việt Nam giúp huấn luyện. Thế là, bộ đội ta ngoài dựng lán trại bằng tre nứa, còn dựng thêm nhà tắm, có “lavabo” cho những người bạn nước ngoài.
Các thầy giáo Liên Xô dạy lý thuyết về tên lửa vào buổi sáng, “học trò Việt Nam nghe phiên dịch xong thì cắm cúi chép, buổi chiều lấy vở ra ôn tập, có khi cùng chụm đầu vào dịch lại xem có hợp lý kỹ thuật không, nếu sai là phải sửa ngay”. Đến khi thực hành, bộ đội được thực hành trực tiếp trên máy. Một trận địa đóng ở giữa, xe máy tính, xe radar, xe máy nổ kéo dây cáp 50 thước nối ra bệ
. Chung quanh đài điều khiển có sáu bệ, cùng lúc triển khai sáu bệ với sáu quả tên lửa tương ứng. Cứ 6 giây một lượt bắn và bắn cùng lúc 3 quả. Hồi ấy, điều kiện thiếu thốn trăm bề, các chiến sĩ tên lửa phòng không chủ yếu sử dụng loại tên lửa Sam 2 - do Liên Xô giúp đỡ. Một kíp trực chiến là cả một đại đội. Bao gồm ba trắc thủ, một sĩ quan điều khiển, một chỉ huy, một thông tin, xe máy tính, xe radar, xe máy nổ và đội lắp đạn lên bệ. Ông kể: “Khi vừa bắn xong là phải kéo máy cơ động đi chỗ khác ngay để tránh máy bay bắn vào trận địa”.
Ngày 4/2/1967, ông ngoại tôi cùng đại đội hành quân từ thị xã Thái Nguyên lên sân bay Bắc Kạn phục kích máy bay địch. 16 giờ cùng ngày, đại đội đã bắn rơi máy bay trinh sát điện tử của địch do 6 tên giặc lái. Chính ông tôi là người trực tiếp bắt những tên phi công sống sót và giải quyết. “Theo nguyên lý máy bay trinh sát không thể tiêu diệt, không quân không diệt được, tên lửa không diệt được, cao xạ bắn không tới vì loại này bay cao 14 - 18.000m. Vậy mà tên lửa bắn được!”. Thế mới thấy bộ đội ta giỏi thế nào! Ông kể: “Khi bắn tên lửa, buộc radar phải hoạt động. Nhưng máy bay của địch có thể dò được tín hiệu radar để tránh. Thế là, bộ đội mình tắt hết thiết bị, chỉ khi phát hiện mục tiêu mới mở và ngay lập tức bắn luôn”.
Ngay từ trận đầu tiên đã tiêu diệt được vài cái máy bay. Địch bị bất ngờ. Về sau, chỉ cần nhìn thấy tên lửa là phi công nhảy dù, chưa cần biết tên lửa của ai!
Những hy sinh thầm lặng Khi tôi hỏi, thời gian đi bộ đội, có lúc nào ông được về thăm nhà. Ông nói rằng, đã xác định vào bộ đội, lại đơn vị tên lửa, lo trực chiến bảo vệ thủ đô thì sao lại nghĩ đến chuyện thăm nhà! Ngay từ lúc vào rừng Yên Thế để huấn luyện đã tuyệt đối phải bí mật, thậm chí ngay cả nhận thư và gửi thư cũng phải hết sức hạn chế. Vì lỡ địch phát hiện có đơn vị huấn luyện tên lửa sẽ cho ném bom tiêu diệt hết. Bình thường, các chiến sĩ tên lửa phòng không làm luôn lều bạt ngoài trận địa để nghỉ ngơi.
Có hai kíp thay nhau, một kíp trực chiến đấu, kíp còn lại được nghỉ. Trước khi nghỉ, bộ đội phải kiểm tra, điều chỉnh máy móc theo tham số chuẩn, rồi đến 4 rưỡi sáng hôm sau dậy kiểm tra lần cuối để chuẩn bị chiến đấu. “Có những hôm đánh nhau ác liệt, hy sinh rồi cứu người, phải huy động các kíp ra trực suốt ngày suốt đêm không ngừng nghỉ”. Luôn luôn phải đối mặt với cái chết, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, chính ông tôi cũng bị thương ngày 27/10/1967 tại trận địa Đa Sơn Đồng, với ba mảnh bom. Nhưng dường như càng trong khó khăn, nguy hiểm, sự hy sinh của những người lính cụ Hồ lại càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Các anh vượt qua nỗi đau thể xác rất nhanh, để lại tiếp tục đứng lên, chiến đấu đến ngày đất nước đánh đuổi được kẻ thù xâm lược.
Nước nhà thống nhất, những người lính mang trong mình vết thương chiến tranh như ông tôi lại trở về với cuộc đời bình dị, như Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết trong trường ca Đất nước:
“Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi Họ đã sống và chết, Giản di và bình tâm Không ai nhớ mặt đặt tên Nhưng họ đã làm ra Đất nước” Đúng vậy, những người lính có thể không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng chính họ làm nên diện mạo của nước Việt hôm nay. Nhân ngày 22/12, bài viết như lời tri ân tới ông ngoại tôi, cho tất cả những người đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc mến yêu.
Bảo Sam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo