Quốc tế

Hậu Brexit: Tiếng Anh bị "xoá sổ" khỏi danh sách ngôn ngữ chính thức của EU

(DNVN) - Do không quốc gia EU nào khác chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức nên nếu Anh rời EU, tiếng Anh sẽ không còn là ngôn ngữ chính thức trong khối.

Người đứng đầu Ủy ban Hiến pháp của Nghị viện châu Âu, bà Danuta Hubner ngày 27/6 cho rằng sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tiếng Anh sẽ không còn là ngôn ngữ chính thức của EU nữa.

 Phát biểu tại cuộc họp báo nói về những hậu quả pháp lý khi người dân Anh lựa chọn rời EU, bà Hubner cho biết khi Anh còn là thành viên EU thì tiếng Anh là một ngôn ngữ chính thức và điều này sẽ không tồn tại khi Anh rời khỏi khối này. 

Brexit có thể khiến tiếng Anh không còn là ngôn ngữ chính thức của EU.

Bà Hubner cũng lưu ý rằng tình trạng chính thức của tiếng Anh ở EU được xác định theo yêu cầu của Anh, trong khi các nước nói tiếng Anh khác như Ireland và Malta đòi hỏi sử dụng tiếng Gaelic và Malta. Theo quy định, mỗi nước có quyền đề nghị chỉ một ngôn ngữ là ngôn ngữ chính thức trong EU.

"Chúng tôi quy định tất cả các nước EU có quyền sở hữu một ngôn ngữ chính thức," Hübner nói. "Ở Ireland có Gaelic, và Malta đã báo cáo ngôn ngữ Maltese. Chỉ có Vương quốc Anh sở hữu Tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức."

“Nếu chúng ta không có Vương quốc Anh, chúng ta sẽ không có tiếng Anh”, bà nói thêm.

Hiện tại tiếng Anh là một trong các ngôn ngữ chính thức được sử dụng phổ biến trong các cơ quan của EU. Quy định về ngôn ngữ chính thức của EU phải được các thành viên nhất trí thay đổi nếu họ muốn giữ tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức, Hübner nói.

Tuy nhiên, một nguồn tin của EU giải thích quy định về ngôn ngữ chính thức của EU có sự khác nhau giữa các bản dịch. Quy định gốc năm 1958 được viết bằng tiếng Pháp, không nói rõ liệu một quốc gia thành viên có thể có nhiều hơn một ngôn ngữ chính thức hay không. Giải thích về các từ tiếng Pháp cho thấy việc này có thể xảy ra, trong khi phiên bản tiếng Anh lại loại trừ hoàn toàn khả năng này.

 

Theo tờ Wall Street Journal, sau khi cử tri Anh chọn rời khỏi EU, Ủy ban châu Âu đã bắt đầu sử dụng tiếng Pháp và tiếng Đức thường xuyên hơn trong giao tiếp với các nước ngoài khối

Nên đọc




Thu Phương (Theo AP)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo