Hậu trường: Phó Tổng giám đốc BIDV Các anh bắt nhầm người
Triệt đường của doanh nghiệp
Nhìn nhận lại chuyên án trên, một cán bộ điều tra phân tích, vào thời điểm năm 2008-2009, tình hình kinh tế chung của thế giới và Việt Nam đang bị suy thoái. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng hoá, trong khi đó tiền vay ngân hàng thì đến hạn trả nợ, nhưng không thể có vốn để trả.
Trong bối cảnh đó, thời gian làm Giám đốc Ngân hàng BIDV Hải Phòng, Đoàn Tiến Dũng đã giải quyết cho Công ty CP Dệt may xuất khẩu Hải Phòng và Công ty TNHH V.K Hải Phòng do ông Hoàng Văn Khánh làm Tổng Giám đốc, vay hơn 45 tỷ đồng, thông qua 2 hợp đồng tín dụng dài hạn bằng hình thức thế chấp tài sản (dự án kho bãi container và tài sản trên đất tại khu vực Đầm Mắm, quận Hải An, Hải Phòng).
Lợi dụng khi doanh nghiệp đang rơi vào cảnh khó khăn, Đoàn Tiến Dũng luôn thúc ép công ty của ông Khánh phải trả nợ, nếu không sẽ phải chuyển nhượng tài sản để tất toán.
Chính vì vậy, công ty TNHH V.K Hải Phòng đã quyết định chuyển nhượng kho bãi container. Lúc này, Đoàn Tiến Dũng đã đứng ra môi giới để công ty TNHH V.K Hải Phòng chuyển nhượng toàn bộ dự án kho bãi container cho Công ty CP Dầu khí ANPHA Hải Phòng, với giá 57 tỷ đồng.
Trong khi giá bán trên thị trường của kho bãi container khoảng trên 60 tỷ đồng thì công ty của ông Khánh chuyển nhượng cho Công ty CP Dầu khí ANPHA do Dũng môi giới chỉ bán được 57 tỷ đồng. Hơn nữa, trên thực tế, tại công ty dầu khí ANPHA Hải Phòng, Đoàn Tiến Dũng cũng có cổ phần ở trong đó.
Tháng 9/2008, Đoàn Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Trung ương và chuyển lên Hà Nội công tác. Chính vì thế, ông Khánh đã phải nhiều lần đến gặp, đề nghị được Dũng giúp đỡ, chỉ đạo cấp dưới giải ngân. Không chỉ dừng lại ở việc ép giá mua kho bãi container, Dũng còn nhiều lần nhận tiền “lót tay” của doanh nghiệp do ông Khánh làm giám đốc.
Từ những thông tin ban đầu về dấu hiệu sai phạm của Đoàn Tiến Dũng, cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã quyết định vào cuộc, đấu tranh, bắt quả tang vị Phó tổng giám đốc BIDV nhận tiền “bôi trơn”.
Vén bức màn “cảm ơn”!
Những việc làm sai trái của vị phó tổng giám đốc này dù được che đậy kín đáo đến đâu cũng không thể qua mặt được các trinh sát dày dạn kinh nghiệm. Khoảng 7h ngày 2/2/2010 (tức 23 tháng chạp), Đoàn Tiến Dũng cùng lái xe riêng đến ăn sáng tại một quán phở trên phố Giảng Võ (Hà Nội). Một lát sau, có một vị khách đến ăn sáng cùng. Lúc này, Dũng hẹn ông Khánh mang tiền đến quán phở.
Khi ông Khánh vừa đến, Dũng liền bảo vị khách ăn sáng cùng đi về trước, rồi quay sang nói lái xe xách cặp của mình ra ô tô trước để tiện bề nói chuyện với ông Khánh. Khi Dũng vừa nhận bọc tiền từ tay ông Khánh, lực lượng công an đã ập vào bắt qủa tang. Các tập tiền được để rất lộ trong một chiếc túi nilông, toàn mệnh giá 500 nghìn đồng.
Khi thấy công an xuất hiện, như có sự chuẩn bị từ trước, Đoàn Tiến Dũng rất bình tĩnh, ông ta bảo: “Đây là tiền của bạn tôi cho vay, các anh bắt nhầm người rồi!”. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra đưa ra những chứng cứ xác đáng, Dũng đã phải cúi đầu thừa nhận, khoản tiền đó là của doanh nghiệp “cảm ơn” ông ta.
Sau khi kiểm tra chiếc túi Đoàn Tiến Dũng nhận của doanh nghiệp, lực lượng công an kiểm đếm được số tiền 1 tỷ đồng. Trong chiếc cặp xách của ông ta, cơ quan điều tra phát hiện khoảng hơn chục chiếc phong bì, bên trong có nhiều tiền USD và VNĐ.
Được biết, vào thời điểm tháng 9/2008, khi được bổ nhiệm vào chức Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV Trung ương, Đoàn Tiến Dũng đã mua một căn nhà trên Hà Nội để sống một mình, còn vợ con ông ta vẫn sống dưới Hải Phòng. Khi công an tiến hành khám xét phòng làm việc và nơi ở của ông ta tại Hà Nội, đã phát hiện nhiều phong bì, bên trong có tiền và nhiều giấy tờ liên quan đến vụ án.
Nhận tội thay “chú Dũng”
Ngay sau khi bắt quả tang Đoàn Tiến Dũng nhận tiền hối hộ và củng cố hồ sơ, các trinh sát của Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an Hà Nội) đã lập tức lên đường đi Hải Phòng trong buổi sáng cùng ngày. Tại Ngân hàng BIDV Hải Phòng, lúc này khoảng hơn 9h sáng, các cán bộ nhân viên vẫn làm việc bình thường.
Tuy nhiên, giám đốc ngân hàng và Trần Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc đều không có mặt tại trụ sở. Nhân viên cho biết, hôm đó đúng vào ngày Tết ông Công, ông Táo (23 tháng chạp) nên hai vị lãnh đạo của ngân hàng đi lễ từ sáng chưa về.
Tiến hành xác minh tại nhà riêng của Bình ở phường Điện Biên, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng, người nhà chị ta cũng nói, Bình đến cơ quan từ sáng, không có ở nhà. Các trinh sát đã phải chia ra nhiều mũi, theo dõi, chờ Bình xuất hiện để đưa chị về cơ quan công an đấu tranh khai thác.
Mãi đến 19h tối, khi các nhân viên Ngân hàng BIDV Hải Phòng đã tan sở, Bình mới đi lễ về. Sau khi phối hợp với Công an Hải Phòng làm các thủ tục cần thiết, các trinh sát đã đưa Bình về đến trụ sở Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an Hà Nội khoảng hơn 2h sáng hôm sau.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu, Bình một mực khai nhận, việc mình nhận tiền của công ty ông Khánh, Bình sẽ tự chịu trách nhiệm hết. Bình bảo rằng, sẽ nói gia đình thu xếp, trả lại toàn bộ số tiền hơn 4 tỷ đồng đó.
Theo chị ta lý giải: “Tất cả mọi tội, tôi sẽ nhận hết. Tôi có được như ngày hôm nay đều do một tay chú Dũng giúp đỡ, từ khi tôi còn là nhân viên, cho đến khi làm trưởng phòng, rồi phó giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Hải Phòng”.
Tuy nhiên, sau khi nghe cán bộ điều tra phân tích, đưa ra những chứng cứ rõ ràng về hành vi phạm tội của Đoàn Tiến Dũng, Bình đã thừa nhận, việc mình nhận tiền của doanh nghiệp đều do Dũng chỉ đạo. Bình không hề được hưởng lợi gì trong việc đó và sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án.
Trong các ngày 28 và 29/5/2012, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa các bị cáo Đoàn Tiến Dũng (SN 1956), nguyên phó tổng giám đốc BIDV và Trần Thị Thanh Bình (SN 1973), nguyên phó giám đốc BIDV Hải Phòng ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Sau khi xem xét, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Dũng 15 năm tù; bị cáo Bình 6 năm tù |
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo