HĐND Hà Nội duyệt chi hơn 2 nghìn tỷ giảm ùn tắc giao thông
Chiều 1/12, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã trình bày tờ trình về chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 – 2015, tình hình ùn tắc giao thông đã giảm một cách rõ rệt, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản.
Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân, việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, để phương tiện gây cản trở giao thông còn diễn ra phổ biến…do vậy, dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm, đường vành đai; số lượng các điểm và các tuyến đường ùn tắc giao thông còn nhiều, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.
Từ yêu cầu thực tiễn trên, UBND TP xác định cần thiết phải xây dựng và tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020.
Mục tiêu của Chương trình là tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trong khu vực nội đô (từ vành đai 3 trở vào) và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra, vào nội đô; các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3; các khu vực đầu mối giao thông (các cửa ngõ giao thông, các bến xe); Tạo được sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó, có gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ngành có liên quan trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, thực hiện các Luật Giao thông; từng bước xây dựng văn hóa giao thông; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, trật tự trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong hoạt động vận tải, thực hiện quản lý chặt chẽ tải trọng phương tiện; quản lý các bến bãi đỗ xe; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn Thành phố. Chỉ tiêu cụ thể: giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn Thành phố, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5 – 10% hàng năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).
Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, Thành phố sẽ tiếp tục làm tốt công tác tổ chức quản lý và điều hành giao thông (đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức quản lý, điều hành giao thông vận tải Thủ đô; xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng chung cho Thành phố.
Bên cạnh đó, sẽ rà soát lại công tác tổ chức giao thông, sắp xếp khoa học; tiếp tục triển khai việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường học, bệnh viện và khu vực các bến xe vào giờ cao điểm, giờ đến đường và giờ tan học; duy trì việc trực gác tại các đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; tổ chức quản lý tốt hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định, quản lý hoạt động vận tải khách bằng xe taxi; tổ chức lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thành phố để xác định rõ lộ trình, giải pháp khắc phục tình trạng phát triển quá nhanh phương tiện giao thông cá nhân trong khi kết cấu hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp, gây ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố).
Kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tổ chức giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, giải tỏa lòng đường vỉa hè; Tiếp tục thực hiện các dự án có vai trò quan trọng giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đã được HĐND Thành phố thông qua trong giai đoạn 2012 – 2015 nhưng chưa được bố trí vốn triển khai; Đề xuất một số dự án mới có khả năng triển khai được ngay và các dự án có tính kết nối với mạng lưới giao thông nhằm phát huy hiệu quả của các dự án này, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông tại một số nút giao thông, một số tuyến đường.
Trên cơ sở các nhiệm vụ, Thành phố đã đề ra 10 giải pháp cụ thể: Giải pháp về công tác tuyên truyền: đây là một trong những giải pháp quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ, liên tục cả về chiều rộng và chiều sâu để người dân hiểu, từ đó tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Giải pháp về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; xây dựng cơ chế chính sách; Giải pháp về vốn; khoa học công nghệ; Giải pháp về nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng khi thực thi công vụ; chống ùn tắc giao thông tại các khu vực đang thi công các công trình và chống ùn tắc giao thông khi mưa bão.
Giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng: tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư khu vực nội đô; đẩy nhanh tiến độ thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện…ra ngoài trung tâm Thành phố theo đúng quy hoạch, đúng lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất này dành cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác.
Giải pháp về phối hợp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và giải pháp về đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng.
Dự kiến tổng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 là 2.167 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT nhận cú đúp giải thưởng bình chọn doanh nghiệp niêm yết
Kênh đầu tư nào đang hút dòng tiền những tháng cuối năm?
Sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi chính thức phải kê khai giá
Giá vàng thế giới: Bật tăng mạnh sau 6 phiên giảm liên tiếp
Phát triển nông nghiệp xanh phải đổi mới tư duy sản xuất
Kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng thủ tục hành chính vẫn là rào cản