Môi trường

Hệ lụy của thủy điện: Ruộng khô hạn, sông nhiễm mặn

Tại Quảng Nam, Đà Nẵng các nhà máy thủy điện ngừng xả nước hoặc xả nhỏ giọt làm vùng hạ lưu khô khát. Lúa thiếu nước, sông nhiễm mặn, người dân rất khốn đốn
Hiện tại, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 có mực nước hồ đang xuống dưới mực nước chết, không có nước để phát điện, chỉ phát cầm chừng 3-4 giờ/ngày với lưu lượng khoảng 90-100 m3/ giây. Nhà máy Thủy điện A Vương phát một tổ máy với lưu lượng 39m3/giây. Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 cũng xả nước ở mức thấp nên ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.
 

Thủy điện chặn nước

 

Việc thủy điện ngừng xả nước hoặc xả nhỏ giọt làm cho hạn hán, nhiễm mặn ở Quảng Nam đạt mức kỷ lục. Nồng độ mặn tại trạm bơm Cẩm Sa là 1,0%, trạm Thanh Quýt là 0,95%, Vĩnh Điện là 0,56%, Xuyên Đông là 0,20%... Trong khi đó, nồng độ mặn tối đa cho phép với cây trồng chỉ ở mức 0,08%. Có hơn 36.000 ha lúa và 10.000 ha hoa màu ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam đứng trước nguy cơ chết trắng.

 

Tại huyện Điện Bàn, có gần 2.000 ha lúa trong số 5.700 ha lúa vụ hè thu bị ảnh hưởng nặng bởi thiếu nước. Ngành nông nghiệp huyện đã huy động khẩn cấp các máy bơm tìm nguồn nước ngọt tưới tiêu cho lúa. Tuy nhiên, chỉ có hai máy bơm hoạt động hết công suất ở hồ Bàu Sen, còn lại các hệ thống thủy lợi đều hoạt động cầm chừng vì thiếu nước.

 

Tại Đà Nẵng, hơn 2.000 ha lúa và hoa màu đứng trước nguy cơ khô cháy. “Nếu không có những cơn mưa dông trong những ngày qua thì gần 2.000 ha lúa và hoa màu ở Đà Nẵng sẽ chết khát” - ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng, nhận định.

 

Theo ông Thắng, những cơn mưa dông chỉ “chữa cháy” tạm thời trong vòng vài ngày, nguy cơ khô hạn vẫn luôn thường trực nếu các thủy điện không chịu xả nước thường xuyên. 

 

Cuống cuồng chống hạn

 

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Sở đã gửi công văn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị có phương án xử lý khẩn cấp.

 

Đồng thời sẽ nạo vét ngay ba tuyến sông chính gồm: sông Vu Gia đoạn qua trạm bơm Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) phục vụ việc tưới tiêu chống hạn cho hơn 400 ha lúa của 2 huyện Đại Lộc và Điện Bàn. Nạo vét sông Vĩnh Điện (Vòm Cẩm Đồng) tăng cường lượng nước từ sông Thu Bồn về sông Vĩnh Điện phục vụ các trạm bơm Vĩnh Điện, Tứ Câu, Cẩm Sa và cung cấp nước sinh hoạt cho TP Hội An. Nạo vét ngã ba sông Lạc Thành (xã Điện Hồng, Điện Bàn)  để tăng cường nước từ sông Vu Gia về Bàu Nít và Thanh Quýt tưới cho 6.000 ha lúa của huyện Điện Bàn”.

 

Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng đã lên phương án khắc phục khô hạn bằng cách dùng máy bơm vét các nguồn nước còn sót lại trong ao, đầm... để cứu lúa. Đồng thời sở đang lập thiết kế xây dựng thêm trạm bơm chống hạn Dương Sơn (Hòa Tiến) để trình Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt, nhằm cung cấp nước kịp thời cho những cánh đồng lúa đang thiếu nước. Ngoài  ra, sở cũng tiếp tục yêu cầu các thủy điện tiếp hành xả nước thường xuyên theo quy định để chống hạn cho vùng hạ lưu.
 

Có thể đóng cửa nhà máy thủy điện

Sau khi nhận được báo cáo về việc Quảng Nam bị khô hạn, sáng 6-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để có ngay biện pháp ứng phó cấp bách. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Vũ Văn Thặng cho biết trong tuần tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ cùng họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bàn biện pháp đối phó với tình hình khô hạn tại địa phương này. Tuy nhiên, sự việc này, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương là chính với chức năng quản lý các nhà máy thủy điện. Khi địa phương, người dân cần nước thì bằng mọi cách các nhà máy điện phải duy trì việc xả nước để không làm trầm trọng thêm tình hình khô hạn. Vấn đề này phải do chính quyền địa phương chủ trì và các bộ, ngành sẽ tham gia đề xuất giải pháp chống hạn. Tỉnh cho làm thủy điện thì nay phải kiên quyết để thủy điện không gây thêm hệ lụy. Ủy ban Nhân dâ tỉnh có thể bắt buộc nhà máy thủy điện phải thực hiện các phương án dự phòng xả nước, nếu không, có thể đóng cửa nhà máy thủy điện.

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết hiện chưa nhận được thông báo mời họp của tỉnh Quảng Nam về tình trạng khô hạn trên địa bàn. “Về nguyên nhân khô hạn do tự nhiên hay có phần từ thủy điện cần phải có số liệu thống kê như lượng nước về bao nhiêu và nhà máy xả đến đâu. Hiện tổng cục đã yêu cầu các nhà máy báo cáo lại” - ông Quân nói.
B.Trân

 

Theo NLĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo