Xã hội

Hệ lụy khôn lường của việc ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ

(DNVN) - Như Tạp chí doanhnghiepvn.vn đã thông tin, Bộ Tư pháp đang tiến hành rà soát quy định về việc ghi tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là một bước “cải lùi”, gây ra rất nhiều hệ lụy, khó khăn và phức tạp, thậm chí là rào cản chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Để rộng đường dư luận, PV đã trao đổi với chuyên gia, luật sư về vấn đề này.

“Hành là chính”?

Theo TS Trần Thất – Hiệu trưởng Trường cao đẳng VICET - nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp), trong khi chúng ta đang tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng việc bỏ hẳn sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì quy định này lại tạo ra nhiều thứ không cần thiết. Việc này sẽ tạo ra sự lúng túng, có nhiều bất cập trong công tác ký cấp sổ đỏ. Nếu theo quy định của Thông tư 33 của BTNMT thì có thể hình dung được một “rừng” thủ tục hành chính trong việc thực hiện các quyền trong hộ gia đình sử dụng đất là vô cùng phức tạp và khó khăn, nhưng nguy hiểm hơn là sẽ có những điểm rất “tù mù” trong việc thực hiện thủ tục đó.

TS Trần Thất – Hiệu trưởng Trường cao đẳng VICET - nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp).

Ông Trần Thất nêu nêu ví dụ: Một gia đình có cha, mẹ cùng sống chung trong một hộ gia đình với con trai và con dâu, cháu nội... Cha mẹ muốn mua một mảnh đất riêng cho mình bằng nguồn tiền riêng do mình tiết kiệm được trong cả đời. Nhưng khi làm sổ đỏ, cán bộ văn phòng đăng ký QSDĐ có thể hạch sách: Đây là ông bà mua riêng cho mình bằng tiền riêng và chỉ ông bà đứng tên hay là mua chung cho cả gia đình của cậu con trai? Nếu ông bà mua riêng thì phải có xác nhận của vợ chồng con trai về vấn đề này. 

Vậy là thêm một thủ tục cha, mẹ phải xin "xác nhận" của con trai và con dâu? Chưa hết: Nếu Vợ chồng cậu con trai lại giở chứng: Tiền mua đất tuy là của ông bà tiết kiệm cả đời nhưng tiền ăn của ông, bà bao nhiêu năm nay là do vợ chồng chúng tôi chu cấp. Vì vậy, tiền mua mảnh đất ấy là có "sự đóng góp công sức"; của của các con. Vậy lúc ấy cán Bộ TNMT sẽ đứng ra hoà giải chăng? Hay là họ sẽ yêu cầu bố (hoặc mẹ) phải thống nhất với con trai và con dâu rồi mới làm sổ đỏ?

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Ông Trần Thất lưu ý, trong trường hợp xin giấy phép xây dựng nhà trên đất ở thuộc quyền sở hữu chung của các thành viên hộ gia đình cũng rất phức tạp. Ông Trần Thất phân tích từ thực tiễn: Một gia đình có cha, mẹ và hai con đều có tên trong sổ đỏ. Nay hai con ở nơi cư trú khác nhau (Mỹ, Úc…), cha, mẹ già muốn xây cất một ngôi nhà để ở cho riêng mình thì việc xin giấy phép xây dựng sẽ phiền phức và tốn kém thế nào? Nhưng vấn đề khó khăn hơn là ở chỗ, trong hồ sơ xin giấy phép xây dựng phải có bản thiết kế, bản trích lục bản đồ, chỉ giới đầy đủ, chính xác. Nếu không có sự đồng ý của hai người con thì cha, mẹ chỉ có thể xây nhà trên phần đất của mình. Và sẽ dẫn đến sự khốn nỗi, quyền sử dụng chung về đất trong sổ đỏ của họ là "Sử dụng chung hợp nhất". Vậy là lại phát sinh một cuộc đo đạc, chia đất, tách thửa, lập bản đồ...thêm phiền hà.

TS Trần Thất bình luận: “Có thể Bộ Tài nguyên và môi trường chưa lường hết, cán bộ cấp dưới thì ứng xử với dân là phải làm thế mới "đúng quy trình", sẽ dẫn đến tình trạng“trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng…Vấn đề này, đang là những "điểm nghẽn" trầm trọng nhất hiện nay mà Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ thì Thông tư 33 của Bộ TNMT lại "dội" thêm vào đó không phải là môt xô nước lạnh mà là một thùng nước đá. Đúng là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Có thể nói, trong viết văn bản quy phạm pháp luật thì việc nghĩ, nói và viết đã là khó nhưng việc vô cùng khó là làm thế nào để "pháp luật đi vào cuộc sống", tức là phải khả thi. Tôi không hình dung nổi rằng Thông tư 33 sẽ làm lợi hay làm hại cho dân đây?”.

 

Phức tạp trong giao dịch mua bán nhà đất

Nhiều chuyên gia cho rằng quy định này sẽ gây ra nhiều bất cập, rắc rối. Chẳng hạn, với những gia đình có nhiều thành viên, nhiều thế hệ cùng sống thì sổ đỏ phải ghi đầy đủ thông tin của các thành viên trong hộ gia đình sẽ gây khó khăn phức tạp đối với cán bộ thụ lý hồ sơ. Ví dụ như dễ gây nhầm lẫn thông tin, thông tin nhân thân từng thành viên có thể thay đổi...

 LS Trần Văn Đức - Đoàn Luật sư TP Hà Nội – Công ty Luật Trường Sa.

Theo LS Trần Văn Đức - Đoàn Luật sư TP Hà Nội – Công ty Luật Trường Sa nhận định: Quy định này sẽ gây nhiều phiền toái, nhiều thủ tục phức tạp, rắc rối cho người dân trong việc xác định các thành viên. Rất nhiều gia đình không còn giấy tờ, hay con cái ở xa hoặc đi nước ngoài không thể xác minh được. Khi đó, họ có thể buộc phải kê khai theo hướng giảm bớt thành viên hoặc giảm bớt những người thừa kế để làm được giấy tờ. Rồi việc thay đổi các thành viên trong gia đình trên sổ đỏ cũng làm tăng các thủ tục liên quan đến cập nhật thông tin, chia thừa kế, chưa nói đến vấn đề ở đây có những thành viên trong hộ gia đình gây khó dễ, không ủy quyền, không ký, thì tài sản đó sẽ không được giao dịch.

Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5.12.2017, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất trên sổ đỏ. Cụ thể, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản và (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.
Nên đọc
Tuyết Thùy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo