Xã hội

Hé mở cánh cửa việc làm cho người nhiễm HIV và gái mại dâm

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội vẫn là rào cản lớn nhất.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về hỗ trợ vốn, dạy nghề tạo việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện, điều trị methanon và gái mại dâm, nhưng thực tế việc tái hòa nhập cộng đồng của nhóm người này còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, cơ hội việc làm cho họ tại các doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Theo báo cáo của Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Từ năm 2006 đến 2010, cả nước có trên 40 nghìn người cai nghiện và bán dâm tại các Trung tâm được tổ chức học nghề, tạo việc làm. Cũng trong giai đoạn này, cả nước có trên 470.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn 350 đơn vị tiếp nhận những đối tượng này vào làm việc, chủ yếu trong ngành nghề cơ khí, may dân dụng, may công nghiệp, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, uốn tóc, làm vàng mã và đan thảm xuất khẩu. Anh Vương Kiến Thành, ở TP HCM - người sau cai nghiện nói: “Tất cả những nhóm dễ bị tổn thương, người sử dụng ma túy mới về, họ luôn muốn có một việc làm gì đó, cho dù với mức lương không cao so với những người có bằng cấp ở ngoài cộng đồng. Họ mong muốn có việc làm để lánh xa được những bạn bè xấu. Họ cũng có được cơ hội muốn hoàn lương. Đây cũng là một bước, một nấc thang đầu tiên để họ bước lên”.

Thực tế, tuy đã có một số doanh nghiệp tư nhân mở lòng đón nhận người nhiễm HIV, gái mại dâm vào làm việc, nhưng cũng chỉ bố trí cho họ những việc làm phụ, thu nhập không cao. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Giám đốc công ty may Đại Việt ở phường Tân Phú, TP HCM - một trong số ít những doanh nghiệp tuyển dụng người sau cai nghiện, người có H và gái mại dâm vào làm việc chia sẻ: “Để thành công bản thân người quản lý trong công ty phải đi sát, phải tiếp cận hàng ngày, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm việc theo nhóm, có 1 biểu mẫu theo dõi năng suất, công ty cũng có thành lập 1 quỹ riêng hỗ trợ cho các em. Doanh nghiệp thành lập nhóm tuyên truyền viên tư vấn tại công ty, trong đó cũng có những em nhiễm cũng có, cả những em sau cai họ tham gia, làm sao để người lao động chỉ có gọi là người lao động trong công ty thôi chứ không phân biệt”.

Có nhiều nguyên nhân khiến cơ hội việc làm của nhóm người này chưa nhiều. Ngoài lý do không đảm bảo sức khỏe để làm việc hay chưa hình thành lại thói quen lao động, tính chấp hành kỷ luật lao động chưa cao, học vấn thấp thì sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội vẫn là rào cản lớn nhất. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp ngại tiếp nhận hoặc sử dụng người nhiễm HIV, người sau cai nghiện hay gái bán dâm chủ yếu xuất phát từ lòng nhân đạo, tính xã hội chứ không từ cơ chế, chính sách và các quy định ràng buộc trách nhiệm xã hội.

Mặt khác, chính sách ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người sau cai nghiện, đối tượng tệ nạn xã hội… chưa thỏa đáng nên chưa đủ sức khuyến khích, động viên doanh nghiệp tiếp nhận nhóm lao động đặc biệt này. Chính sách cho vay vốn, tạo việc làm cho nhóm đối tượng này mới chỉ dừng ở tính vĩ mô, muốn tạo việc làm ngay cho nhiều người mà quên mất mỗi người dễ bị tổn thương cần được tư vấn về tâm lý, sức khỏe và tạo việc làm theo nhu cầu cụ thể.

Ông Trần Đình Hùng, chủ cơ sở sản xuất giày dép Hùng Chiu, ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến: “Đối với chính sách Nhà nước bây giờ đối với mỗi hộ vay 20 triệu đồng như vậy không phù hợp; 51% để có chính sách Nhà nước giảm thuế, chính sách đãi ngộ như với doanh nghiệp như chúng tôi cũng rất khó. Thứ nhất, không đủ nguồn cho chúng tôi tiếp nhận, thứ 2 nữa chừng đó em nào vào làm thì cơ sở cũng khó tiếp nhận các em trên 51%”.

Để giúp người nhiễm HIV, gái mại dâm có cơ hội việc làm bền vững, Thủ tướng Chỉnh phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số bộ ngành liên quan…xây dựng chính sách hỗ trợ vay vốn và tạo việc làm cho người nhiễm HIV, người điều trị methanon cũng như người bán dâm có cơ hội tốt hơn trong vay vốn, được tạo việc làm để ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cho biết: Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị của bộ, ngành liên quan, phác thảo chính sách vay vốn, tạo việc làm cho nhóm đối tượng này. Sau đó, đánh giá lại nhu cầu của người vay vốn, lấy ý kiến của địa phương, lấy ý kiến các doanh nghiệp phối hợp với nhau và trình Thủ tướng ban hành quyết định. Để những chính sách đó thực hiện sau này có hiệu quả thì một loạt giải pháp chúng ta phải thực hiện như: Tuyên truyền giảm kỳ thị, phân biệt đối xử; các doanh nghiệp ngoài trách nhiệm xã hội phải tôn vinh họ như thế nào để chính sách cho vay vốn, tạo việc làm cho nhóm đối tượng này mới đi vào cuộc sống.

Như vậy, về mặt hình thức, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, điều trị methanon và gái mại dâm đã bắt đầu được khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội. Cánh cửa việc làm để ổn định cuộc sống cũng bắt đầu hé mở đối với họ. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều “rào cản” ngăn trở họ tiến về phía trước. Và sẽ rất khó nếu bản thân nhóm người này không thực sự nỗ lực, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm và tạo lòng tin với mọi người…thì khó có thể tái hòa nhập cộng đồng đúng nghĩa./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo