Hé mở lộ trình "lột xác" MobiFone
Những vấn đề về lộ trình cổ phần hóa MobiFone phần nào được hé lộ qua lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty Thông tin di động (MobiFone) và Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông,
Ông Mai Văn Bình, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc MobiFone cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về cổ phần hóa MobiFone, từ nay đến hết năm 2014, MobiFone phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thành việc thành lập Tổng công ty MobiFone và đề án cổ phần hóa MobiFone trình Bộ Thông tin và Truyền thông và Chính phủ.
Theo ông Bình, MobiFone sẽ được xây dựng thành mô hình tổng công ty hoạt động theo hướng tiên tiến, hiện đại, linh hoạt, hiệu quả, trở thành một trong 3 nhà mạng cạnh tranh bình đẳng với các nhà khai thác khác.
Dự kiến trong tháng 7 này, MobiFone sẽ trình đề án thành lập Tổng công ty MobiFone lên Bộ Thông tin và Truyền thông để Bộ trình Chính phủ. Hy vọng, đề án sẽ được phê duyệt trong quý III/2014.
Trong thời gian tới, MobiFone sẽ gấp rút tiến hành xây dựng Điều lệ tổ chức hoạt động của Tổng công ty với các lưu ý đặc biệt về vốn điều lệ và chiến lược kinh doanh cho những năm tiếp theo. Trong quá trình Đề án thành lập Tổng công ty và điều lệ mới chưa được phê duyệt, MobiFone sẽ sớm hoàn thành xây dựng và đề xuất ban hành Điều lệ tạm thời của Công ty, để duy trì hoạt động hiệu quả.
Nhiệm vụ quan trọng đặc biệt thứ hai, theo ông Bình, là MobiFone sẽ trình phương án cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Dự kiến, phương án cổ phần hóa sẽ hoàn thành vào quý IV/2014.
Một số nội dung về quá trình cổ phần hóa MobiFone đã được chia sẻ. Trong đó, vấn đề sau khi cổ phần hóa MobiFone, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm cổ phần trong MobiFone cũng được đề cập. Theo lãnh đạo MobiFone, khi MobiFone cổ phần hóa, VNPT sẽ sở hữu tối đa 20% cổ phần.
“MobiFone có được như hôm nay là thành quả xây dựng trong suốt 21 năm của VNPT. Khi cổ phần hóa, việc VNPT có 20% cổ phần trong MobiFone là hợp nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, cũng như công lao của VNPT trong xây dựng và phát triển MobiFone”, ông Bình nói.
Đối với việc lựa chọn đối tác chiến lược khi cổ phần hóa, MobiFone cũng đã nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác. Tuy nhiên, việc chọn đối tác chiến lược sẽ được các cơ quan có thẩm quyền liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật để chọn đối tác phù hợp.
Theo lãnh đạo MobiFone, sau khi cổ phần hóa, MobiFone sẽ hoạt động tốt hơn, do tối ưu hóa được khâu quản trị. Sau khi tách ra, MobiFone sẽ coi VNPT là đối tác chiến lược, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Liên quan đến ý kiến cho rằng, MobiFone sau khi tách khỏi VNPT sẽ khiến VNPT rơi vào tình trạng khó khăn, ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc thường trực VNPT cũng thừa nhận, nguồn lực tài chính, lợi nhuận, thị trường, khách hàng và thương hiệu đều là những vấn đề mà VNPT phải đối mặt sau khi MobiFone về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trước đó, cuối năm 2013, VNPT đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng, nhưng theo lãnh đạo VNPT, mục tiêu này sẽ được điều chỉnh xuống còn 86.000 tỷ đồng trong năm 2014. Đây là đều dễ hiểu, bởi năm 2013, VNPT đạt doanh thu 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.265 tỷ đồng, thì riêng lợi nhuận của MobiFone đã trên 6.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 60%.
Có thể thấy rõ, MobiFone sau khi được tách khỏi VNPT đang bước đi trên con đường thênh thang, sáng sủa với vận hội mới, cơ hội mới. Trong tương lai không xa, MobiFone sẽ trở thành một chân kiềng mới trên thị trường sau khi hoàn tất cổ phần hóa. Nhưng VNPT thì khác, đơn vị này tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong cuộc lột xác, tái cấu trúc trong thời gian tới khi những khó khăn, tồn tại của VNPT vẫn song hành cùng doanh nghiệp.
Theo Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo