Hi hữu: Răng giả kẹt trong đường thở gần 2 năm mới biết
ThS-BS Nguyễn Quang Tú, người tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 4/8 kể lại: Cách đây gần 2 năm, nam bệnh nhân L.T.Đ. (39 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) bị tai nạn giao thông, có chấn thương vùng cổ và đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và bị mất 3 răng giả trong lần tai nạn này, theo tin tức trên báo Người lao động.
Khoảng 1 tháng trước, anh bắt đầu cảm thấy khó chịu nhiều, khó thở, khàn tiếng rất nặng. "Nhiều hôm ngủ dậy mệt lắm, nói không ra tiếng luôn" - anh Đ. kể. Sau đó, anh đi khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM. Qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện một dị vật lạ nằm trong đường thở của bệnh nhân, gây viêm, bít một phần đường thở.
Dị vật được xác định là một bản nhựa hình tam giác cong 2x4cm, nằm vắt ngang ở khu vực bên dưới thanh môn, đoạn đầu khí quản. Để giải quyết, các bác sĩ đã tiến hành nội soi thanh – khí quản để lấy dị vật ra.
Mảnh nhựa ấy chính là một phần nướu răng giả liên kết 3 chiếc răng anh Đ. đánh mất trong tai nạn ngày xưa. Theo BS Tú, nếu để dị vật lâu hơn nữa trong đường thở, nó có thể gây viêm nặng nề hơn, thậm chí chặn toàn bộ đường thở của bệnh nhân và có thể gây ra nhiều biến chứng khác.
Rất may là dị vật nằm thẳng, cắm sâu vào giữa thanh môn nhưng không bịt kín đường thở nên bệnh nhân không cảm thấy vướng, không thấy bất thường, chỉ thấy hơi khó thở và tình trạng khó thở tăng dần khi dị vật gây viêm khiến thanh môn bị che lấp nhiều hơn. Sau ca nội soi, bệnh nhân đã thở bình thường, không gặp bất kỳ một biến chứng nào như tràn khí hay chảy máu, báo Infonet đưa tin.
Anh L.T.Đ cho biết, tháng 10/2015, anh bị đụng xe, cú đụng khá nặng khiến anh ngất xỉu tại chỗ. Sau khi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh về nhà và bắt đầu thấy khó thở nhưng lại nghĩ là do chấn thương sau tai nạn.
Càng ngày tình trạng khó thở càng nặng, có những buổi sáng thức dậy anh nói không ra tiếng. Mất 3 chiếc răng giả sau vụ đụng xe nhưng anh không bao giờ nghĩ một phần của hàm răng giả này lại rơi vào đường thở của mình.
BS Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc chuyên môn của bệnh viện cho biết, bệnh viện cũng hay tiếp nhận những trường hợp hóc răng giả, nhưng đây là một ca hy hữu hiếm gặp vì hàm răng giả rơi vào đường thở và bị “bỏ quên” trong một thời gian khá dài.
Trường hợp dị vật bị “bỏ quên” trong đường thở lâu nhất mà bệnh viện gặp từ trước tới nay là ca hóc hạt hồng xiêm trong suốt 43 năm khiến bệnh nhân khó thở, ho khạc ra máu, xẹp phổi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo