Hiểm họa giao thông thủy: Có phải người dân “mù” Luật?
Mỗi ngày, thuyền bè tự chế của người dân vẫn hối hả xuôi ngược trên lòng hồ thủy điện Sơn La, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.
Từ khi Nhà máy thủy điện Sơn La tích nước dẫn dòng năm 2010, lòng hồ thủy điện Sơn La bắt đầu trải rộng với trên 43.700 km2. Mực nước dâng cao, trải dài nên giao thông thủy trở nên phổ biến với hàng ngàn hộ dân sống quanh lòng hồ. Tuy nhiên đến nay, mỗi ngày người dân nơi đây vẫn “hồn nhiên” đi lại trên lòng hồ mêng mông này bằng phương tiện thuyền bè tự chế, họ chưa ý thức được “tử thần” đang rình rập từng phút, từng giây.
Năm nay đã là năm thứ 3 gia đình anh Cà Văn Xuân (bản Hua Tát, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai) mưu sinh trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Khi nước lòng hồ dâng gần 1 năm, anh đã vay mượn thêm ít tiền để đóng thuyền làm phương tiện chạy chợ, kiếm thu nhập trang trải cho sinh hoạt gia đình. Chiếc thuyền hoàn thành chi phí hết 45 triệu, anh tiếp tục chi thêm hơn 4 triệu đồng để đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo quy định. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, anh chưa đăng kiểm thêm một lần nào. Điều này đồng nghĩa với việc thuyền có hỏng hóc hay cần thay thế, sửa chữa bộ phận nào để an toàn hơn trong quá trình vận hành hay không, anh cũng không biết. Với suy nghĩ thuyền mới, chắc chưa thể có hỏng hóc gì, nên mỗi ngày, anh vẫn hồn nhiên vươn sông.
Anh Cà Văn Xuân cho biết: “Khi thuyền đóng xong rồi thì cán bộ đã về đo và đăng ký, đăng kiểm. Đến bây giờ vẫn chưa đăng kiểm lại, phần vì gia đình cũng khó khăn, thứ hai là cũng không thấy bên cơ quan đăng kiểm đến bảo đăng kiểm lại nên mình cũng kệ, cứ thế đi thôi”.
Khác với anh Xuân, thuyền của gia đình anh Cầm Bạc Thịnh (ở bản Muôn, xã Mường Sại, cùng huyện Quỳnh Nhai) chỉ để phục nhu cầu đi lại của gia đình. Tuy nhiên, điều giống với anh Xuân là dù hàng ngày đi lại trên sông, nhưng thuyền của gia đình anh cũng không được đăng kiểm hàng năm theo quy định. Thậm chí, đến đăng ký cũng không.
Anh Thịnh cho biết, thuyền nhà anh đã đăng ký lần đầu vào năm 2011 với kích thước dài 12m. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng, gia đình cơi nới chiều dài thêm 3m. Theo quy định, anh sẽ phải làm thủ tục đăng ký lại, nhưng chi phí cho việc đăng ký là 4 triệu đồng. Đây là số tiền này quá lớn nên hàng ngày anh cứ đi lại mà không thực hiện đăng ký, đăng kiểm.
Anh Thịnh cho biết: “Nói chung, sống ở ven sông như chúng tôi mà không có thuyền thì không thể đi đâu được hết. Còn về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thì Nhà nước lấy đắt quá nên chúng tôi không có tiền để làm”.
Thuyền không đăng ký, đăng kiểm vẫn lưu hành như anh Xuân, anh Thịnh không phải hiếm gặp. Đơn cử ở xã Chiềng Bằng có 340 phương tiện thủy, thì số phương tiện thực hiện đăng ký chưa đầy 100, số đăng kiểm định kỳ còn ít hơn thế.
Theo ông Tòng Văn Tám, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chiềng Bằng, không phải người dân không hiểu Luật, mà do ý thức chủ quan, cộng với sự buông lỏng trong quản lý của ngành chức năng đã khiến tình trạng này kéo dài nhiều năm chưa thể khắc phục.
Ông Tám cho biết: “Trước đây, từ huyện đến cơ sở chẳng ai quan tâm đến vấn đề đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Thuyền đi thì cứ đi thế thôi, chẳng có cơ quan nào tuyên truyền gì cả. Khi có hồ thủy điện thì các cơ quan từ tỉnh, huyện mới xuống xã để tuyên truyền, động viên bà con để bà con hiểu, nắm được các thủ tục liên quan đến đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy. Nói chung những điều này bà con đều nắm được hết nhưng cơ bản do ý thức nên bà con cứ đi, không chủ động làm các thủ tục đăng ký, đăng kiểm”.
Lòng hồ rộng lớn, cốt ngập hàng trăm mét, nhưng thuyền bè vẫn hối hả xuôi ngược dù có đăng ký, đăng kiểm hay không. Ai cũng biết nguy hiểm rình rập, song người ta vẫn tặc lưỡi kiểu “điếc không sợ súng”. Phải chăng ngành chức năng đã buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng này không được kiểm soát triệt để?./.
Theo VOV.VN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo