Xã hội

Hiểm họa khôn lường từ việc dân tự ý đặt tấm lát tự tạo trên đường sắt

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt tại các lối đi dân sinh bất hợp pháp là do người dân tự ý đặt các tấm lát tự tạo trên đường sắt.

(LĐO) Phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt trong những năm gần đây cho thấy: Có 97,5% số vụ tai nạn giao thông đường sắt là do các nguyên nhân khách quan, trong đó 72,9% số vụ tập trung chủ yếu tại các đường ngang (đặc biệt có tới 80,9% lối đi dân sinh bất hợp pháp).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt tại các lối đi dân sinh bất hợp pháp là do người dân tự ý đặt các tấm lát tự tạo trên đường sắt.

Nguy cơ khôn lường


Theo ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam: Hiện tượng người dân tự ý đặt các tấm lát tự tạo trên đường sắt tập trung nhiều nhất  tại tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn huyện Thường Tín, TP.Hà Nội. Đây là khu vực có mật độ lối đi dân sinh bất hợp pháp dày đặc nhất, có đoạn chỉ khoảng 10m đường sắt có một lối đi và hầu hết các lối đi này đều được người dân tự tạo các tấm lát bằng kim loại đặt trên đường sắt. Đây thực sự là những “bẫy tử thần” do người dân tự ý đặt trên đường sắt và nó có thể hất tung cả đoàn tàu, bởi bất kỳ một lý do nào cũng có thể  làm tấm lát bị bênh lên khỏi mặt ray. 

Đơn cử, vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra gần đây nhất đối với đoàn tàu hàng mang số hiệu 332T1 tại một lối đi dân sinh thuộc địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội vào lúc 12h30’ ngày 5.6.2012 là một minh chứng. Rất may, đây là đoàn tàu hàng và 2 toa tàu bị tấm lát bằng kim loại hất ra khỏi đường sắt là toa xe rỗng nên không gây thiệt hại về người, nhưng vụ tai nạn trên đã làm 2 toa xe bị hư hỏng nặng, đồng thời ngành đường sắt đã phải điều động 1 cần cẩu, hai đội cứu hộ với nhiều thiết bị cứu hộ chuyên dùng và gần 50 cán bộ, công nhân đến giải quyết, sau trên 3 giờ vụ tai nạn mới được khắc phục xong, làm tuyến đường sắt Bắc – Nam bị bế tắc 208 phút, gây chậm nhiều đoàn tàu với tổng thời gian 663 phút .

 Chưa có cách hữu hiệu “tháo bẫy”


Tự mở lối đi qua đường sắt, đặt chướng ngại vật trên đường sắt... là những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, đe doạ đến an toàn chạy tàu, song do sự làm ngơ của các cơ quan chức năng nên hiện tượng nguy hiểm này vẫn ngang nhiên tồn tại giữa thủ đô. Theo Tổng công ty Đường sắt: Các công ty TNHH MTV quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt đã rất cố gắng ngăn chặn và dỡ bỏ các lối đi tự tạo, nhưng do thiếu sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương nên không thể giải quyết triệt để.

Thêm nữa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ là một doanh nghiệp, dù được Nhà nước giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng không có chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt. Vì vậy, mỗi khi phát hiện người dân tự mở lối đi qua đường sắt hoặc đặt các tấm lát tự tạo trên đường sắt, Tổng công ty đều phải nhờ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý; nhưng sau khi chính quyền đi khỏi thì người dân lại đặt tấm sắt vào giữa đường ray, chẳng khác nào ''bắt cóc bỏ đĩa''.

Khoản 3, Điều 36 Luật Đường sắt đã quy định: “Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn”.Vì vậy, để đẩy lùi và giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt, thiệt hại do tai nạn giao thông đường sắt gây ra, chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua cần quan tâm và vào cuộc quyết liệt xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Đồng thời, để vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vừa đảm bảo cho người dân có lối đi an toàn qua đường sắt, các địa phương cần khẩn trương phối hợp với ĐSVN triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp: Đảm bảo an toàn tại các vị trí giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ đã được ký kết giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, TP có đường sắt đi qua. Về lâu dài, Nhà nước cần quan tâm đầu tư để ngành đường sắt triển khai, hoàn thiện việc xây dựng hệ thống hộ lan, đường gom và hàng rào đường gom theo Quyết định số 1856/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

P.V

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo