Hiệp định CPTPP

“Miếng bánh” thị trường CPTPP còn rất lớn

Sau 2 năm tham gia Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu khai thác được những ưu đãi từ hiệp định như: thuế quan, thị trường mới.

Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ trọng xuất khẩu sang các nước thành viên của hiệp định này vẫn duy trì như trước khi có đại dịch là khoảng 12% trong tổng xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, so với năm 2018, khi chưa tham gia hiệp định, tỷ trọng này lại tăng không đáng kể. Điều này cho thấy khả năng tận dụng ưu thế hiệp định của doanh nghiệp Việt vẫn còn khiêm tốn và không đồng đều giữa các thị trường. Đây là đánh giá trong báo cáo "Việt Nam sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP" do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố sáng nay (tại Hà Nội.

“Miếng bánh” thị trường CPTPP còn rất lớn - Ảnh 1.

Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP vẫn duy trì như trước khi có đại dịch (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Dù Canada, Mexico là 2 đối tác mới nhất đã ký FTA với Việt Nam, thế nhưng đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất trong các quốc gia đã thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với mức tăng lần lượt là 29% và trên 26% so với năm 2018. Thống kê cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Canada tận dụng ưu đãi thuế quan của CPTPP.

"Hiệp định CPTPP đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam và Canada có hiệp định thương mại tự do. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước xuất khẩu vào Canada với 4,4 tỷ USD cùng sự đóng góp lớn của các mặt hàng như: điện thoại di động, giày dép, đồ nội thất và may mặc, thủy sản, hoa quả... Các tiêu chuẩn về thực phẩm, xuất xứ hàng hóa Việt Nam đã được cải thiện để tận dụng được các ưu đãi thuế quan", bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam, chia sẻ.

Tuy nhiên, tại các nước đối tác CPTPP, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ lệ còn thấp, chỉ từ 1% đến hơn 3%. Trong khi đó, "miếng bánh" thị trường 10 nước thành viên hiệp định này còn rất lớn với quy mô nhập khẩu tới 2.500 tỷ USD.

"Tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan ở các thị trường mới như Canada, Mexico cao hơn những thị trường truyền thống như Nhật Bản. Điều này cho thấy các doanh nghiệp chưa có lựa chọn mới trong thị trường Nhật Bản hay những thị trường truyền thống. Nếu so sánh với FTA khác trong năm đầu thực thi, như EU chẳng hạn, tỷ lệ ưu đãi thuế quan còn cao hơn đáng kể", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, nhận định.

Đáng chú ý, cứ 20 doanh nghiệp được khảo sát thì chỉ có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP và cứ 4 doanh nghiệp biết rõ về cam kết CPTPP thì chỉ có 1 doanh nghiệp tận dụng được các lợi ích từ hiệp định này.

 

Đáp ứng tiêu chuẩn để nắm thị trường

Theo các chuyên gia, Hiệp định CPTPP được đánh giá là một trong những hiệp định có các tiêu chuẩn khắt khe và phức tạp nhất. Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cho thấy, khoảng 90% số doanh nghiệp được khảo sát đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng để xuất khẩu đi các nước đối tác CPTPP. Câu chuyện tiếp theo là các doanh nghiệp sẽ phải nhanh nhạy để nắm bắt được cơ hội từ thị trường nhiều dư địa này.

“Miếng bánh” thị trường CPTPP còn rất lớn - Ảnh 2.

Khoảng 90% số doanh nghiệp được khảo sát đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng để xuất khẩu đi các nước đối tác CPTPP. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Hiện 4/6 quốc gia phê chuẩn CPTPP đã có một hoặc nhiều FTA với Việt Nam, do vậy các doanh nghiệp phần nào đã quen với hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ. Đây cũng là lợi thế đáng kể để doanh nghiệp tận dụng tham gia chuỗi giá trị.

Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), Việt Nam phải mất 5 năm sau mới duy trì được đà tăng trưởng. Còn Hiệp định CPTPP mới trải qua 2 năm, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt nhịp với đà tăng trưởng, quan trọng là sự chủ động nắm bắt cơ hội của chính doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên cũng không thể phủ định những dấu ấn của CPTPP sau 2 năm Việt Nam đã làm được, VCCI nhấn mạnh, đó là các biện pháp cải cách hành chính, chính sách, pháp luật ở Việt Nam để thực thi CPTPP như: ban hành các văn bản thực thi, tháo gỡ vướng mắc cấp chứng nhận xuất xứ, thủ tục tại cảng… Đây là những cải cách nội tại để Việt Nam có thể tận dụng CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được đẩy mạnh so với thời gian trước.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo