CPTPP và EVFTA: Cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường
Cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu
Với sự tham gia của 250 đại biểu, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 là một hoạt động nằm trong Chuỗi sự kiện thuộc Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2019 do Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện thường niên được diễn ra liên tục trong 4 năm gần đây.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Nông nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt thể hiện qua sự thành công và tăng trưởng trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2019 đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.
Với kết quả này, Việt Nam đã từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới: chúng ta thuộc nhóm top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Những thành tựu như vậy có được, là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của những chính sách thuận lợi hóa thương mại, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu của Chính phủ.
Bên cạnh những chính sách hiện tại, không thể không kể đến vai trò quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA): ngoài việc giúp mở rộng hơn nữa thị trường, chuyển dịch cơ cấu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, còn đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư nhờ những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường và quản trị nhà nước.
Gần đây, Việt Nam đã tham gia một số FTA “thế hệ mới”, cụ thể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019 và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết ngày 30/6/2019.
Nói rõ hơn về hai Hiệp định CPTPP và EVFTA, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, Hiệp định CPTPP với 10 đối tác, trong đó có những đối tác mà thông qua Hiệp định này, Việt Nam lần đầu thiết lập mối quan hệ thương mại tự do song phương như Canada, Chile, Mexico và Peru. Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm, ví dụ như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô... Đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của ta.
Với EVFTA, đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, góp phần củng cố mối quan hệ song phương theo hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Về góc độ mở cửa thị trường, Hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. Cụ thể: ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 tỷ USD trong năm 2018.
Mặc dù, thời gian qua ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu vượt bậc về xuất khẩu nông sản, nhưng hiện nay xuất khẩu nông sản cũng đang đối mặt với không ít rào cản, khó khăn. Để tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định ngành nông nghiệp cần tháo gỡ nhiều rào cản cho nông dân và doanh nghiệp.
Cần liên kết của nông dân - doanh nghiệp
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên trước thềm diễn đàn, Thứtrưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, nông sản Việt muốn tận dụng lợi thế từ các Hiệp định chinh phục được nhiều thị trường khó tính hơn, vững vàng tìm chỗ đứng ở “chợ” thế giới thì phải có liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo yếu tố, ngon, an toàn và đẹp.
Ông Tuấn cho biết, hiện có khoảng 55.000 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, chiếm 8% số lượng doanh nghiệp cả nước. Ngoài ra, còn có 13.000 HTX nông nghiệp, 40 liên hiệp HTX đóng vai trò kết nối, liên kết với 10 triệu hộ làm nông nghiệp để tổ chức sản xuất.
"Tuy nhiên, hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị chưa được như mong muốn, trong tổng số 50.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp thực chất chỉ có 1.000 doanh nghiệp trực tiếp liên kết với nông dân phát triển sản xuất; tương tự như vậy chỉ có khoảng 1.000 hợp tác xã có mô hình liên kết với nông dân. Vì vậy, Nhà nước phải tiếp tục tạo cơ chế là động lực giúp doanh nghiệp tìm đường về với nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn, dẫn dắt thị trường cùng nắm tay nông dân tự tin đi “chợ”- ông Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ thêm, trong suốt thời gian qua, 10 triệu hộ gia đình đã là hạt nhân kinh tế, nỗ lực sản xuất để tạo ra bức tranh nông nghiệp như hiện nay. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng và luôn biến động khó lường, nếu đứng riêng lẻ sẽ không thể đáp ứng được những thay đổi này. doanh nghiệp phải là đầu tàu dẫn dắt.
“Tóm lại, muốn ra chợ lớn, phải liên kết với doanh nghiệp, nông dân không thể đứng ngoài cuộc, phải tạo thành chuỗi liên kết doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã để tạo thành thế đứng vững chắc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hiểu được vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp như Nghị định 57, 115, 55… nhằm tháo gỡ những khó khăn về đất đai, vốn, công nghệ cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo ông Tuấn: “Phải xác định rằng, Nhà nước chỉ tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng chứ không thể cho nguồn lực để hỗ trợ mãi cho doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nhân phải tự tìm cho mình con đường, đồng hành cùng nông dân chinh phục thêm nhiều thị trường mới”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo