Cú hích từ EVFTA sau 1 tháng
Vượt ‘cửa ải’ xuất xứ để tối đa lợi ích từ EVFTA / Nhiều cơ hội vàng đang chờ các doanh nghiệp Việt khai thác từ EVFTA
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn với kinh tế toàn cầu thì trong hơn 1 tháng qua, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Bước đầu tận dụng lợi thế
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy từ ngày 1/8 (thời điểm EVFTA có hiệu lực) đến hết 31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD xuất sang 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan. Theo Bộ Công Thương, thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thêm Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, trong khi EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hằng năm. Điều đó cho thấy dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào EU là rất lớn. Có thể nhắc đến việc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên với sản lượng 3.000 tấn gạo cho đối tác ở Đức, được hưởng thuế suất 0%. Theo đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn, cao hơn khoảng 200 USD/tấn so với trước đó.
Nửa đầu tháng 8 năm nay, xuất khẩu mặt hàng tôm sang EU đạt 29,4 triệu USD, tăng mạnh trở lại với 26% so với cùng kỳ năm 2019; dự tính cả tháng 8/2020 có thể tăng khoảng 20% so với cùng kỳ nhờ những ưu thế mà EVFTA mang lại cho ngành tôm. Đơn cử như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm làm từ con tôm qua EU với trị giá khoảng 31 triệu USD. Về việc xuất khẩu tôm sang EU từ nay đến cuối năm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo sẽ tiếp tục tăng. Lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt sẽ là yếu tố quan trọng để nhà nhập khẩu của EU tìm tới nguồn của chúng ta.
Những con số về tình hình xuất khẩu hàng hóa trong tháng 8 cũng cho thấy EVFTA đang mang lại những tín hiệu tích cực, dù dịch Covid-19 đang tác động không nhỏ. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu tăng 6,5% so với tháng 7-2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỉ USD. Đây là mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020 đến thời điểm này.
Doanh nghiệp cần chủ động
Để chinh phục thị trường EU, các doanh nghiệp (DN) cần chú trọng đến các hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa. Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về an toàn thực phẩm là những yếu tố quan trọng mà DN cần chú ý để bảo đảm điều kiện. Bên cạnh đó, cam kết trong hiệp định làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản, tất cả đều phải được xem xét để không gặp khó khi xuất khẩu hàng hóa. Ngành thủy sản cần nhanh chóng gỡ các nút thắt về chuỗi cung ứng vật tư, giống cho nuôi trồng, phát triển thị trường cho DN.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng EVFTA, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, nghiên cứu, hiện đại hóa công tác cấp C/O, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Đồng thời, cơ quan này phối hợp chặt chẽ với phía EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định.
Một trong những động thái kịp thời của Bộ Công Thương mới đây cũng đã gỡ khó cho DN về vấn đề C/O. Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch) ghi nhận thông tin Hải quan Đan Mạch cho biết một số chứng nhận xuất xứ mẫu EUR.1 của Việt Nam màu xanh lam thay vì màu xanh lá cây nên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của EVFTA, có thể ảnh hưởng đến ưu đãi thuế quan. Bộ Công Thương đã nhanh chóng trao đổi với bộ phận đại diện EU về vấn đề này, nên mẫu C/O theo mẫu hiện tại mà tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp cho DN sẽ không bị từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.
Chủ động nắm vững các cam kết trong EVFTA là một trong những điểm quan trọng được ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), lưu ý đối với các DN trong thời gian tới. Ông đề nghị các DN cần ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và nông dân, hộ sản xuất...
TS - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng để xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn, mở rộng thị phần tại EU, Việt Nam phải cấp bách gỡ thẻ vàng cho thủy sản, đáp ứng các yêu cầu khắt khe khác để mở thêm cơ hội cho DN hiện chưa thể xuất khẩu vào thị trường này. DN cần chú trọng vào các mặt hàng vốn là thế mạnh, trong đó có nông, lâm, thủy sản. Không thể vào "cao tốc" nếu DN thiếu sự chủ động, không tìm hiểu thông tin về thị trường, về nhu cầu tiêu dùng ở các nước.
Chọn xuất khẩu những ngành hàng tiềm năng Đại diện Bộ Công Thương cho biết đang triển khai xây dựng kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA và các hiệp định thương mại tự do. Hoạt động này với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo