Doanh nghiệp được áp dụng hồi tố thuế suất nếu tuân thủ các điều kiện của CPTPP
Thực thi Hiệp định CPTPP: Nội luật hóa các quy định còn khó khăn / Xuất khẩu cá saba của Nhật Bản sang Việt Nam tăng nhờ Hiệp định CPTPP
Đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019 diễn ra sáng 10/1, đại diện các DN, hiệp hội đã nêu ý kiến về một số vấn đề liên quan đến thuế, hải quan. Theo đại diện Nhóm Công tác về thuế hải quan, thời gian qua các cơ quan thuế, hải quan đã có những thành công ấn tượng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), điện tử hoá, cắt giảm thủ tục, qua đó giảm hàng triệu giờ làm thủ tục, cắt giảm chi phí cho DN.
Tuy nhiên, quá trình số hoá có thể tốt hơn nữa, hiệu quả hơn khi sự phối hợp chia sẻ thông tin, trao đổi dữ liệu giữa các bộ, ngành và DN được cải thiện, qua đó giảm tỷ lệ kiểm tra, thanh tra, tăng cường hiệu quả quản lý.
"Cơ chế một cửa không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào nhiều bên liên quan", đại diện Nhóm Công tác cho biết.
Nhóm cũng đề xuất về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc kiểm tra, quản lý rủi ro. Bởi hiện nay, một thách thức trong công tác quản lý là số lượng DN ngày càng tăng, giao dịch thương mại ngày càng lớn, do đó, tạo gánh nặng lớn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát…
Bên cạnh đó, Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) kiến nghị về vướng mắc của DN trong việc miễn thuế đối với các nguyên liệu gia công từ bên ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu. Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (Auscham) kiến nghị về việc thực hiện các cam kết theo các hiệp định thương mại tự do kịp thời, cụ thể ở đây là các cam kết về thuế và quy tắc xuất xứ của Việt Nam theo hiệp định CPTPP, đề xuất được áp dụng hồi tố…
Phản hồi về những nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết năm vừa qua Bộ Tài chính đã tích cực hoàn thiện thể chế, nổi bật là việc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành 2 luật sửa đổi quan trọng là Luật Quản lý thuế và Luật Chứng khoán.
Hiện nay, Bộ đang khẩn trương chuẩn bị các văn bản hướng dẫn để đưa Luật vào thực thi. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã sửa đổi, bổ sung các văn bản khác ở cấp nghị định, thông tư để giải quyết các vướng mắc, giải thích cụ thể những nội dung chưa rõ ràng, gây khó khăn khi thực hiện...
"Chúng tôi rất mong muốn các DN tích cực tham gia hoàn thiện các văn bản pháp luật để sát thực tiễn, tạo thuận lợi nhiều hơn cho DN", Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: PV
|
Về cải cách thủ tục hành chính, năm vừa qua Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), điện tử hoá. Theo đó, tỷ lệ kê khai thuế điện tử, đăng ký nộp thuế điện tử, hoàn thuế… đều đạt mức trên 98 - 99%. Đối với hải quan, năm vừa qua đã có 33/35 cục hải quan triển khai hệ thống giám sát, quản lý hải quan tự động cảng biển, từ đó tạo thuận lợi trong thông quan hàng hoá.
Đồng thời, tiếp tục chủ trìỦy ban tạo thuận lợi thương mại, thực hiện Cơ chế Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN… để đưa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vào hệ thống một cửa. Đến nay, đã có 188/250 thủ tục được đưa lên hệ thống Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN. Mục tiêu hết năm 2020 sẽ đưa toàn bộ các thủ tục chuyên ngành thông qua hệ thống này.
Sắp ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 134
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đánh giá những nhiệm vụ cải cách, hiện đại hoá còn rất nặng nề, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quyết tâm, nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thông qua các kế hoạch, chương trình hành động để đẩy mạnh số hoá trong ngành Tài chính, đặc biệt là trong thủ tục thuế và hải quan.
Liên quan đến các kiến nghị của Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Diễn đàn về thuế với nguyên liệu sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 134 năm 2016 về thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, dự kiến trong quý 1 sẽ có thể ban hành. Trong đó, có những nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên liệu sản xuất, gia công hàng xuất khẩu theo hướng tạo thuận lợi hơn, lắng nghe ý kiến của DN, hiệp hội, trong đó Hiệp hội DN Hàn Quốc, Nhật Bản và một số hiệp hội khác.
Đối với kiến nghị của Auscham về áp dụng hiệp định CPTPP, Thứ trưởng Vũ Thị Mai trả lời cho biết, Nghị định hướng dẫn biểu thuế của CPTPP, cũng như Thông tư 62 hướng dẫn về xuất xứ hàng hoá đã đảm bảo các quy định về chuyển tiếp, theo đó được thực hiện theo hiệu lực của CPTPP. Điều này có nghĩa là DN được áp dụng hồi tố nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện của CPTPP.
Ngoài ra, với các ý kiến khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi trong quá trình quản lý, xây dựng chính sách. Được biết, hàng năm Bộ Tài chính đều đặn có các hội nghị đối thoại với DN; các cơ quan thuế, hải quan cũng có đối thoại với DN, thậm chí hàng quý /lần. Do đó, các vướng mắc của DN cơ bản được tháo gỡ kịp thời.
"Bộ Tài chính cam kết luôn đồng hành cùng DN, tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi hơn cho DN, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của DN cũng như sự thịnh vượng của Việt Nam", Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo