Hiệp định CPTPP

EVFTA: Cú hích tăng trưởng kinh tế sau đại dịch

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.

Cơ hội từ EVFTA, cà phê Việt có thể dễ dàng soán ngôi số 1 thế giới? / EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8: Tận dụng xuất khẩu ngay

Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội của hai bên phê chuẩn. Hiệp định được kỳ vọng thúc đẩy thương mại hai chiều, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được thông qua đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân, tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với thời điểm chưa có Hiệp định.

Hiệp định này cũng góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới; tạo thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19. Hiệp định sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

evfta: cu hich tang truong kinh te sau dai dich hinh 1
EVFTA được kỳ vọng tạo cú hích cho phát triển kinh tế sau đại dịch. (Ảnh minh họa: KT)

Theo TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, EU là thị trường có quy mô nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 trên thế giới với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD mỗi năm. EVFTA được thực thi giúp Việt Nam có thêm lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, trong đó có nông sản thủy sản và các ngành hàng nông nghiệp.

Cùng với đó là những điều kiện khác để thực hiện các cơ chế thuận lợi hóa thương mại mà Việt Nam đã ký kết với 27 nước, cho phép tổ chức tiếp cận thị trường một cách bài bản hơn, cụ thể hơn và hưởng được những điều kiện công khai, minh bạch công bằng hơn trong việc tiếp cận thị trường. Trong số các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và thực thi, EVFTA được đánh giá là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, độ mở lớn, cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.

“Việc giảm thuế sẽ dẫn đến một dòng chảy gia tăng hàng hóa của Việt Nam như: cà phê, hải sản, máy móc, linh kiện, giày dép, dệt may đến 27 quốc gia thành viên. Nếu việc triển khai được diễn ra suôn sẻ thì Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp cận tốt hơn hàng hóa dịch vụ châu Âu mà còn hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu. Ngoài ra, Hiệp định còn thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU lên tầm cao mới, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế cả hai bên sau những tác động sâu sắc từ đại dịch CoVid-19”, TS. Đinh Việt Hòa nhấn mạnh.

Có thể nói, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang gặp phải một sức ép cực kỳ lớn sau đại dịch Covid-19. Theo thống kê, mỗi tháng Việt Nam có khoảng 910.000 doanh nghiệp đóng cửa. Việc Hiệp định EVFTA được thực thi có thể coi là cứu cánh cho các doanh nghiệp để có thể giúp họ phục hồi trong tương lai. Vấn đề quan trọng lớn nhất của các doanh nghiệp là thị trường và đầu ra, mà trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường lớn để cứu giúp doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, EVFTA chính là niềm hy vọng, là trụ cột, là điểm tựa rất quan trọng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

 

Bởi với EVFTA, các doanh nghiệp Việt sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan; được tiếp cận nguồn công nghệ và những mặt hàng chất lượng cao từ EU. Đồng thời, được bổ sung thêm nguồn nguyên liệu, tạo ra sự kết nối cung cầu để hình thành chuỗi cung ứng mới.

“Để giữ được sự chủ động và hiệu quả trong đầu tư với các đối tác EU, doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận lại mình, “định vị” lại mình cả về mặt năng lực, sở trường cũng như điều chỉnh hạn chế để đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên thận trọng, cần đánh giá kỹ càng mọi yếu tố để giảm thiểu rủi ro, từ đó tận dụng hiệu quả những lợi ích và cơ hội từ EVFTA”, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm