Hiệp định CPTPP

Tăng cường kiểm soát hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Đó là một trong những vấn đề trọng tâm được TS Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên Hợp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh khi đề cập đến bối cảnh thương mại thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tại hội thảo về hội nhập kinh tế quốc tế tổ chức tại Phú Yên mới đây.

Trao đổi về vấn đề trên, TS Lê Đăng Doanh cho biết:

Năm 2019, Việt Nam bắt đầu thực hiện Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương toàn diện, tiến bộ (CPTPP). Trong hiệp định này, Việt Nam có các đối tác rất quan trọng và thực tế là chúng ta đã tăng vọt xuất khẩu sang Nhật Bản, Canada, Mexico. Lợi thế trước mắt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ đầu năm nay.

Tính đến hết tháng 9/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8,2%, vươn lên là nước xuất khẩu lớn thứ 7 sang Mỹ; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 10,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%... Điều này chứng tỏ nước ta đã mở rộng thị trường để hàng hóa xuất khẩu sang các nước mà không chịu thuế suất nhiều, cùng lắm là 5%.

Việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các điểm bán được các ngành chức năng chú trọng, thực hiện thường xuyên. Ảnh: VÕ PHÊ.

Trong khi đó, các nước không phải là thành viên của CPTPP thì bị đánh thuế 25%, thậm chí có mặt hàng chịu thuế cao hơn số này. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa Việt Nam sẽ chịu sức ép và sự cạnh tranh lớn trong quá trình xuất khẩu hàng hóa. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng phải có giải pháp đề phòng khi doanh nghiệp, hàng hóa của Trung Quốc đã, đang và sẽ gia nhập mạnh mẽ vào nước ta.

Theo ông, tình hình thế giới hiện nay mà cụ thể là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tác động như thế nào đến sản xuất, thị trường hàng hóa… của nước ta?

- Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động rất nhiều mặt. Một mặt là tác động tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể là hàng của Trung Quốc bị đánh thuế nên hàng Việt có thể thay thế hàng Trung Quốc, gia tăng xuất khẩu sang Mỹ và không bị đánh thuế.

Hiện tại, một số loại hàng của Việt Nam như may mặc, da giày, đồ gỗ, thủy sản… đã xuất khẩu sang Mỹ với số lượng lớn. Nếu chúng ta làm tốt hơn nữa thì các mặt hàng khác như rau, quả và một số nông sản khác cũng có thể xuất khẩu được. Tuy nhiên, vì bị những hạn chế nên Trung Quốc có đối sách lại, phá giá đồng nhân dân tệ. Nếu đồng nhân dân tệ vượt quá ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD thì hàng hóa của Trung Quốc sẽ quá rẻ, có nguy cơ đẩy sang Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường Việt, cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa. Để đối phó, chúng ta phải kiểm soát biên mậu, kiểm soát buôn lậu qua biên giới.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ tràn sang Việt Nam đầu tư. Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2019, mức đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tăng đến 47%. Điều đáng lưu ý là dòng vốn từ Trung Quốc chủ yếu chuyển dịch vào các ngành như dệt may, chế biến kim loại. Mục đích của việc Trung Quốc mang hàng hóa sang còn là để trốn thuế xuất sang Mỹ với khả năng sẽ đội lốt hàng Việt, dán mác Việt Nam.

Doanh nghiệp Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa cũng sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nếu các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh tốt thì lợi ích mang lại từ các hiệp định mà chúng ta đã vất vả đàm phán sẽ dành cho các doanh nghiệp láng giềng.

Vậy các chính sách cũng như công việc mà ngành chức năng, doanh nghiệp Việt phải làm để phòng vệ, đối phó là gì, thưa ông?

- Việt Nam đã đưa ra các chính sách để đối phó và có nhiều nỗ lực để tăng xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, cùng với đó là tăng cường kiểm soát hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, dán mác Việt Nam. Vì nếu hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt mà bị phát hiện thì Mỹ sẽ phạt cả nhóm hàng, ngành hàng của Việt Nam chứ không chỉ riêng hàng Trung Quốc.

Ngoài 2 nước này, thông qua chiến tranh thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ chạy khỏi Trung Quốc; chúng ta có thể thu hút họ vào nhưng phải chọn lọc, phù hợp với nhu cầu. Phú Yên cũng nằm trong xu hướng này. Tỉnh thuận lợi là có sân bay Tuy Hòa nên cơ hội thu hút đầu tư, khách du lịch sẽ cao. Dù vậy, tỉnh cần có sự lựa chọn để phù hợp với tình hình địa phương.

Thêm vào đó, với điều kiện thực tế hiện nay, không chỉ khách du lịch mà thương nhân, hàng hóa của Trung Quốc và các nước sẽ vào và có thể vét sạch các sản phẩm của ta, kéo theo sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần hết sức tỉnh táo và có những biện pháp ngăn chặn, xử lý; đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh để chi phí về thời gian, tiền bạc giảm; tăng cường hỗ trợ trong đầu tư, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải có cách để tăng giá trị hàng hóa của mình, tận dụng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước, đầu tư khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời phải đổi mới tư duy và hành động linh hoạt, sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quản trị doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu hội nhập.

Theo Khang Anh/Báo Phú Yên

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo