Hiệp định CPTPP

Vì đâu lợi ích từ CPTPP nằm trên giấy?

Sau 8 tháng có hiệu lực, những cơ hội to lớn từ Hiệp định CPTPP vẫn chưa trở thành hiện thực đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng không thể không đề cập tới những bất cập về thủ tục pháp lý mà doanh nghiệp gặp phải.

Xuất khẩu gạo 8 tháng đạt 2 tỷ USD, giảm gần 15% về giá trị / Vĩnh Phúc: Nghèo nhất làng thành tỷ phú nhà lầu xe hơi, mỗi tháng đút túi 150 triệu

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi xuất khẩu (XK) hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Theo nghiên cứu chính thức của Bộ KH&ĐT, XK của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.

Tận dụng cơ hộichỉ đạt 3 – 4%

Tuy nhiên, tại Diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định CPTPP”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết tỷ lệ tận dụng ưu đãi để XK từ CPTPP trên thực tế còn rất thấp.

Đơn cử, hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16.400 triệu USD hàng hóa XK, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%. Hầu hết các ngành đều không tận dụng được lợi ích từ CPTPP. Hai ngành tận dụng được nhiều nhất là giày dép và thép cũng chỉ trên dưới 10%, còn lại các ngành thuỷ sản, hạt điều, hồ tiêu, may mặc… chỉ tận dụng được 3 – 4%.

 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành khảo sát 8.600 DN về sự quan tâm với CPTPP. Kết quả cho thấy 26% DN có tìm hiểu, nhưng vẫn có tới hơn 70% DN chưa rõ về CPTPP.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cản trở lớn nhất được các DN đưa ra là 84% DN thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện; 81,48% DN gặp bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước; tiếp theo là những vấn đề về năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó…

Theo ông Ngô Chung Khanh, kể từ khi CPTPP có hiệu lực, số lượng câu hỏi, sự quan tâm của DN mới chỉ dừng ở 12 câu hỏi gửi tới Bộ Công Thương, còn quá khiêm tốn so với cộng đồng DN đông đảo của Việt Nam. Mặt khác, thời gian đầu khi CPTPP có hiệu lực, rất nhiều thông tin được đưa ra, các hội thảo cũng được tổ chức nhiều nhưng đến nay lại không có. Vì vậy, cần đổi mới và tăng cường trước hết việc tuyên truyền về Hiệp định.

Với các cơ quan nhà nước, sự chủ động cũng chưa cao, các kế hoạch hành động của các bộ, ngành địa phương đều chậm nửa năm so với yêu cầu. Các đầu mối thông tin, phổ biến tuyên truyền về CPTPP cho cán bộ nhà nước, DN cũng chậm. Hành trình cải thiện năng lực cạnh tranh của DN còn nhiều chông gai do chính sách thuế, thủ tục hải quan còn nhiều bất cập.

Đại diện CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công chia sẻ về nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của CPTPP. Trong đó, DN này đã đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi và đang XK hàng hóa sang thị trường Canada, nhưng vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan.

 

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho hay lâu nay khi phổ biến thông tin về CPTPP, chúng ta luôn nói ngành dệt may phải chấp nhận quy tắc xuất xứ cao là từ sợi mới được hưởng ưu đãi thuế quan (quy trình sản xuất dệt may bắt đầu từ bông hoặc sợi sang kéo sợi, dệt vải, nhuộm, dệt may).

Chúng ta chấp nhận quy tắc từ sợi trở đi là quy tắc rất cao, cao nhất trong chuỗi cung ứng dệt may. CTCP Thành Công sở hữu chuỗi cung ứng đầy đủ, chỉ mua bông của Mỹ và các nước Tây Phi, dẫn tới khi làm với Cục Xuất nhập khẩu để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thì được trả lời là chỉ cấp xuất xứ từ bông chứ không thể từ sợi.

Trong khi đó, quan điểm của VITAS là sản phẩm dệt may chỉ cần đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi là được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang thị trường CPTPP.

“Cá nhân tôi nghĩ có thể ở một góc độ nào đó, lời văn trong Hiệp định CPTPP chưa tường minh, tuy nhiên khi chưa tường minh thì chúng ta cũng nên xử lý theo hướng bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho DN. Sau này, nếu bất cứ quốc gia nào trong khối CPTPP khiếu nại, chúng ta có quyền đàm phán song phương với họ. Không việc gì phải chọn phương án xấu nhất cho cộng đồng DN Việt Nam”, ông Trường nói.

Hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 1,17% tổng kim ngạch XK

Vướng quy tắcxuất xứ

 

Theo Phó Chủ tịch VITAS, lời văn về quy tắc xuất xứ của ngành dệt may trong CPTPP không mới so với nội dung tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà trước đây Mỹ áp dụng cho các nước ở Trung Mỹ và Caribe. VITAS đã tìm hiểu đầy đủ cách thức trả lời của Hải quan Mỹ với các DN của họ, đó là tất cả sản phẩm dệt may được hưởng ưu đãi khi đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi, không ai hiểu là xuất xứ từ bông.

“Đây là điểm đang nằm trong tay cơ quan quản lý nhà nước là cấp C/O hay không cấp C/O nhưng đối với DN là hết sức gay cấn. Nếu giải thích như thế có nghĩa những thứ đang nói xuất xứ từ sợi thì không phải là sợi mà phải là bông, nếu từ bông thì trong khối CPTPP không ai có bông, ngoài nước Úc có bông dài cao cấp nhưng Việt Nam phải nhập khẩu giá cao. Hay nói cách khác, nếu tiếp cận như thế, toàn bộ hệ thống hàng hóa dệt may, kể cả sau này có đầu tư làm vải cũng không được hưởng ưu đãi. Đây là vấn đề không nhỏ với dệt may”, ông Trường nói.

Trước thực tế trên, ông Trường kiến nghị cơ quan chức năng về lâu dài nên tính đến phương án cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ. Nếu cơ quan quản lý muốn an tâm thì có thể tổ chức các lớp tập huấn, sau đó cấp giấy phép cho các DN có nhân lực đủ điều kiện để tự chứng nhận xuất xứ. Như vậy vừa giảm tải được công việc của cơ quan quản lý nhà nước, mà DN lại có nhiều cơ hội để kinh doanh.

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bày tỏ quan điểm đồng tình, song cho rằng các DN nên đi học để tự chứng nhận xuất xứ, tránh tình trạng như trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ nhưng số DN làm được chỉ đếm “trên đầu ngón tay”.

Theo ông Thành, đã đến lúc DN phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo tham gia cuộc chơi của các FTA với các nước, các thị trường lớn. DN cần tìm cơ hội kinh doanh, thông tin từ thị trường. Ngoài ra, DN cũng cần đồng hành với Chính phủ để phản ánh những bấp cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

 

Đại diện cộng đồng DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất Nhà nước cần thực hiện đúng, quyết liệt, hiệu quả, tiếp thu nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của DN. Còn với DN, cần chủ động nắm thông tin, tìm hiểu về cơ hội và tận dụng CPTPP; đồng thời chủ động phản ánh các yêu cầu, những khó khăn gặp phải trong thực tiễn để cùng nhau giải quyết.

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm