Hiệp định CPTPP

Vì sao con đường trở lại với CPTPP của Mỹ sẽ khó khăn?

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn xem lại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà ông từng kéo Mỹ ra vào năm ngoái. Song con đường trở lại với hiệp định này của Mỹ sẽ khó khăn.

8 chính sách thương mại, XNK và dân sinh nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 10/2018 / Australia chính thức phê chuẩn hiệp định CPTPP

Đại diện 11 nước tham gia CPTPP ẢNH: REUTERS

Đại diện 11 nước tham gia CPTPP ẢNH: REUTERS

11 nước mà ông Trump từng bỏ lại sau lưng sau khi rút Mỹ ra khỏi hiệp định TPP đã ký được thỏa thuận mới là hiệp định CPTPP mà không có Mỹ. Nhà Trắng hôm 13/4 cho hay Tổng thống Mỹ vừa yêu cầu các cố vấn thương mại và kinh tế hàng đầu của ông xem xét liệu “một thỏa thuận tốt hơn có thể được đàm phán hay không”.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump cho hay TPP là “thảm họa” và việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận là một cam kết. Song đâu lại là lý do khiến ông giờ đây đổi ý?
Yếu tố Trung Quốc

Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại với Trung Quốc là yếu tố lớn. Ban đầu, hiệp định TPP được xem là sẽ tạo đối trọng Thái Bình Dương với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc. Đại lục không tham gia TPP, nhưng những người ủng hộ hiệp định cho rằng nó có thể thay đổi hành vi của Trung Quốc trong thương mại.
Thành viên Edward Alden của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết: “Tôi nghĩ rằng đây là một phần nhận thức ngày càng lớn của chính quyền Mỹ, rằng áp lực song phương với Trung Quốc khó lòng có thể khiến mọi việc ổn thỏa. TPP là nguồn đòn bẩy chống lại Trung quốc, song Tổng thống Trump đơn giản là chẳng hề nghĩ đến yếu tố này trước khi ông quyết định rút Mỹ ra”.
Trong tháng 1, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc để Mỹ tái tham gia hiệp định TPP mới, tức CPTPP, nếu các điều khoản được cải thiện. Từ khi đó, quan hệ với Trung Quốc tệ hơn, chính quyền Mỹ áp đặt thuế cao lên nhôm, thép nhập khẩu từ Đại lục, và đe dọa áp thuế lên tổng cộng 150 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Nước này trả đũa bằng thuế quan áp lên nhiều mặt hàng Mỹ.
Điều này khiến nhiều nông dân Mỹ thất vọng vì họ bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu mà Canada, Mexico và Úc có được nhờ tham gia CPTPP. Họ cũng lo về thiệt hại mà Trung Quốc có thể gây ra.
“Vị thế Mỹ hiện yếu đi rất nhiều”

Bất chấp áp lực đặt lên ông Trump từ nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đến từ các tiểu bang nông nghiệp, Mỹ sẽ khó lòng quay lại được với CPTPP. Ông Trump khăng khăng ông sẽ để Mỹ tham gia nếu các điều khoản tốt hơn đáng kể so với thời được thảo luận dưới chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ khó vì hiện các nước đã đồng ý với CPTPP.
“Chính quyền của Tổng thống Trump lẽ ra đã có thế mạnh nếu khăng khăng tái đàm phán khi Tổng thống nhậm chức vào tháng 1/2017. Hiện vị thế của Mỹ đã yếu đi rất nhiều”, ông Alden nói.
Một số điều khoản bao gồm các vấn đề như sở hữu trí tuệ mà chính phủ Mỹ đã đàm phán thành công trong hiệp định TPP ban đầu đã bị hoãn trong hiệp định CPTPP chốt tháng trước. Để các điều khoản này quay lại, nó phải được 11 nước đã ký cùng đồng thuận.
Các nước tham gia CPTPP có thể chấp nhận thay đổi điểm trên để tiếp cận thêm thị trường Mỹ, song nếu chính quyền ông Trump đòi hỏi thêm nhiều thay đổi, mọi thứ sẽ khó khăn hơn.
“Các thành viên tham gia ban đầu trải qua 5 năm dài, khó khăn để đàm phán nhưng rồi bị Mỹ “bỏ rơi”. Sau đó họ tiếp tục đàm phán thêm một năm nữa để khiến các điều khoản thuận lợi với tất cả các bên. Không ai có thể còn tâm trạng để xem xét thêm các yêu cầu mới mà Mỹ đưa ra”, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore Deborah Elms nhận định.
Chẳng ai muốn “tái đàm phán đáng kể”

Một số nước tham gia CPTPP phản ứng thận trọng trước sự cân nhắc của ông Trump. Phía Nhật Bản hoan nghênh ý định của ông, song cho biết “cực kỳ khó để lấy một phần ra và tái đàm phán nó”.
New Zealand cũng thể hiện quan điểm tương tự. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho hay: “Nếu Mỹ thực sự muốn quay lại thì sẽ kích hoạt một quá trình tham gia và đàm phán mới. Nó không đơn giản là chuyện chèn một vấn đề vào thỏa thuận đã có”.
Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo cho hay ông hoan nghênh mối quan tâm mới từ phía Mỹ, nhưng ưu tiên giờ đây là giúp thỏa thuận mà 11 nước cùng ký vào tháng trước có hiệu lực.
Một cách tiếp cận mà chính quyền ông Trump có thể áp dụng là đồng ý với hiệp định hiện tại, sau đó cố gắng có thêm thỏa thuận riêng với từng nước trong một số lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như thương mại ô tô với Nhật Bản.
Song ông Elms chỉ ra khó khăn: “Nhưng làm thế bạn phải cần Nhật Bản đồng ý”. Chuyên gia này cho rằng 11 nước hiện sẽ không “hết sức nhiệt tình” về ý tưởng đàm phán song phương với chính quyền Mỹ. Thêm vào đó, ngay cả khi Tổng thống Mỹ quyết định cho Mỹ quay lại với CPTPP, ông cũng sẽ khó lòng được Quốc hội Mỹ thông qua.
Theo thanhnien.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm