Phân tích

Hiệp định TPP là cơ hội nâng giá trị sản phẩm dệt may của Việt Nam

(DNVN) - Quá trình đàm phán cho thấy rằng TPP là thách thức lớn nhưng đồng thời là cơ hội để nâng giá trị sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về cơ hội và thách thức của ngành hàng dệt may Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại buổi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 17/11.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Hiệp định TPP sẽ mở cửa cho ngành dệt may với những cơ hội hết sức to lớn, nhưng để được hưởng ưu đãi ngành dệt may phải có nguyên liệu đầu vào đáp ứng nguyên tắc từ sợi trở đi. Tuy nhiên cơ hội giảm thuế có thể trở nên vô nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trên cơ sở đó, đại biểu Hòa đặt câu hỏi về thực trạng sản xuất sợi dệt may của Việt Nam hiện nay có đáp ứng yêu cầu hay không và thuận lợi, khó khăn của dệt may khi tham gia vào sân chơi TPP.

Trả lời chất vấn, vị tư lệnh ngành Công thương cho biết, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức đàm phán một số hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định TPP. Về nguyên tắc khi tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam yêu cầu các đối tác dành cho Việt Nam một số ưu đãi cốt lõi, đặc biệt là đối với một số mặt hàng chủ lực như dệt may.

Người đứng đầu ngành Công thương cho rằng, về cơ bản, các nước chấp nhận mở cửa thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam có lợi thế, trong đó có dệt may. Riêng đối với TPP, Hoa Kỳ yêu cầu nếu hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam thì họ sẽ dành ưu đãi, nếu không xuất xứ từ Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi. Nguyên tắc “từ sợi trở đi” đòi hỏi hàng dệt may Việt Nam phải có vải hoặc sợi sản xuất tại Việt Nam thì mới được hưởng ưu đãi.

“Theo các điều khoản của hiệp định một số sản phẩm dệt may phải thực hiện nguyên tắc từ sợi trở đi.Một số mặt hàng khác có thể chấp nhận một thời gian duy trì tình hình như hiện nay, nghĩa là mặt hàng chúng ta chưa sản xuất được thì nhập khẩu từ các nước có thể ngoài TPP được hưởng ưu đãi", vị tư lệnh ngành Công thương nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, hiện nay chúng ta đã đàm phán được khoảng 184 trong tổng số 186 mặt hàng dệt may không phải đáp ứng yêu cầu từ sợi trở đi. Tuy nhiên, 184 mặt hàng này mới chỉ chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu, còn 85% phải đáp ứng yêu cầu từ sợ trở đi.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận định, quá trình đàm phán cho thấy rằng TPP là thách thức lớn nhưng đồng thời là cơ hội để nâng giá trị sản phẩm dệt may của Việt Nam.

“Nếu cứ duy trì tình trạng này Việt Nam sẽ mãi là thị trường gia công, làm thuê cho nước ngoài, lấy công làm lãi. Do vậy, thời gian qua ngành dệt may đã vận động, tăng cường đầu tư và nâng cao chuỗi giá trị. Trong giai đoạn từ 2013-2014, Việt Nam đã thu hút đầu tư vào dệt may đạt 3 tỷ USD.  Đến năm 2018, khi TPP dự kiến chính thức có hiệu lực, tỷ trọng hàng dệt măy xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam sẽ chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch", Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ trưởng cho biết, vải dệt kim chúng ta có thể tự lo 85%, vải dệt thoi mới sản xuất được khoảng 30%, sợi cơ bản đã sản xuất đủ theo nhu cầu, năm 2014 đã xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD sợi. Tính trung bình, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may đã tăng từ 20% lên 50% trong khoảng 10 năm.

“Để tận dụng cơ hội, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may sẽ tăng đầu tư vào khâu vải, kể cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Bước đi này cũng phù hợp với tình hình thực tế, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội từ TPP và giảm thách thức” – Người đứng đầu ngành Công thương khẳng định.

Hoàng Thiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo