Câu lạc bộ doanh nghiệp

Thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa

DNVN – Ngày 15/1/2021, Câu lạc bộ doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thanh Hóa sẽ chính thức ra mắt. Đây là sự kiện quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp KH&CN tỉnh Thanh Hóa.

Tiêu chí để NLĐ làm việc tại DN từ 1 năm trở lên được hỗ trợ 1 triệu đồng/người dịp Tết / Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ 3-5 dự án đầu tư phát triển cây dược liệu trong năm 2021

Chiều ngày 14/1/2021, các đại biểu tham dự lễ ra mắt Câu lạc bộ KH&CN Thanh Hóa đã có chuyến thăm nhà máy Tiến Nông Bỉm Sơn của Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, nhà máy sản xuất rượu giạo truyền thống Dạ Lan, Nhà máy sản xuất dược phẩm của Công ty CP Dược vật tư Y tế Thanh Hoá.

Trong nhiều năm qua, xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành khâu đột phá cho sự phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đồng thời, ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành KH&CN. Ngày 7/12/2017, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu đó là nâng cao năng lực KH&CN; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến hộ khoa học - kỹ thuật; thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, tạo đột phá về ứng dụng khoa học... gồm 11 nhóm chính sách.

Các đại biểu thăm quan Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông.

Các đại biểu thăm quan Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông.

Hằng năm, tỉnh Thanh Hóa đầu tư hằng trăm tỉ đồng cho nghiên cứu KH&CN. Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước, việc đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động KH&CN, nhất là của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp KH&CN tiếp tục được quan tâm. Trong đó, hoạt động nghiên cứu, triển khai chủ yếu được thực hiện dưới hình thức đóng góp vốn, nhân công, các máy móc, thiết bị của các đơn vị chủ trì nhiệm vụ KH&CN và của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng kết quả với kinh phí mức đóng góp chiếm khoảng 2/3 tổng số kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Nhằm thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp KH&CN và tạo điều kiện để phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp này, Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông về doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của tỉnh; phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức lớp tập huấn về phát triển doanh nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp ĐMST trong tỉnh.

Các đại biểu thăm quan Nhà máy SX rượu gạo truyền thống và nước uống tinh khiết Dạ Lan.

Các đại biểu thăm quan Nhà máy SX rượu gạo truyền thống và nước uống tinh khiết Dạ Lan.

Đến nay, toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ 3 toàn quốc (chỉ sau 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Nhiều doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa tham gia các đề án nghiên cứu KH&CN và thu được hiệu quả cao, ứng dụng vào sản xuất như dự án "Ứng dụng Công nghệ để hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng rượu truyền thống Nếp cái hoa vàng Dạ Lan"; dự án: “Hoàn thiện công nghệ thiết bị tái chế rác thải nhựa sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng” của Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghệ Tân Thanh Phương; dự án: “Ứng dụng công nghệ IoT, Cloud Computing để xây dựng hệ thống quan trắc tự động, liên tục môi trường lao động tại các trạm viễn thông trên địa bàn Thanh Hóa” của Công ty CP ThinkLabs…

Các đại biểu thăm Công ty CP Dược - Vật tư Y tế Thanh Hoá.

Các đại biểu thăm Công ty CP Dược - Vật tư Y tế Thanh Hoá.

 

Đặc biệt, Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông là doanh nghiệp đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (KH&CN) của tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là một doanh nghiệp tiêu biểu trong hệ thống doanh nghiệp KHCN về các hoạt động nghiên cứu. Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, ông Nguyễn Hồng Phong chính là người đưa ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN của tỉnh Thanh Hóa, nhằm tạo diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng doanh nghiệp KH&CN.

Khoa học và Công nghệ sẽ là động lực thúc đẩy năng suất và chất lượng sản phẩm

Ông Ngô Thế Hợp – GĐ Nhà máy SX rượu gạo truyền thống và nước uống tinh khiết Dạ Lan:

Dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng rượu truyền thống Nếp cái hoa vàng Dạ Lan thuộc đề tài: "Ứng dụng Công nghệ để hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng rượu truyền thống Nếp cái hoa vàng Dạ Lan" đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015. Với mục tiêu là cho ra đời thương hiệu rượu truyền thống, an toàn và chất lượng cao, đến nay Dạ Lan đã có thị trường rộng lớn toàn miền Trung và miền Bắc. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng sản lượng của nhà máy đạt mức tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2019. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa; phát triển đề tài; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng.

 

Ông Nguyễn Hồng Phong – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp KH&CN Việt nam, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa:

Với sứ mệnh là tổ chức của các doanh nghiệp KH&CN, Câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa sẽ là nơi tư vấn các chính sách, tham vấn các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp KH&CN phát triển. Mục tiêu là xây dựng nền sản xuất sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phạm Ngọc Cảnh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm