Hiệp hội súng Mỹ muốn trang bị vũ khí ở trường học
Một tuần sau vụ xả súng ở trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut, khiến 20 trẻ em và 7 người lớn thiệt mạng, phó Chủ tịch Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), một trong những tổ chức vận động hành lang mạnh nhất nước Mỹ, Wayne LaPierre, cuối cùng cũng chịu xuất hiện trước báo giới và đưa ra một tuyên bố mang tính thách thức cho quyết định ủng hộ dự luật cấm sử dụng súng của Tổng thống Barack Obama.
Phớt lờ làn sóng phản đối sử dụng súng của người dân Mỹ, ông LaPierre khẳng định hôm thứ sáu: "Biện pháp duy nhất để chặn đứng một kẻ độc ác có vũ trang chính là một người tốt với khẩu súng trong tay". Đây cũng là "câu thần chú" được ông sử dụng nhiều lần trong các vụ xả súng từ trước tới nay.
Tuyên bố của LaPierre đã làm tiêu tan hy vọng rằng NRA sẽ tham gia vào cuộc chiến của những người ủng hộ luật cấm sử dụng súng nhằm hạn chế tối đa việc sở hữu vũ khí.
Trước đó, hôm 18/12, NRA đã đưa ra một tuyên bố trong đó khẳng định tổ chức này sẽ cam kết thực hiện một "đóng góp có ý nghĩa" để hạn chế những vụ xả súng đẫm máu.
Tom Mauser, người đã mất con trai trong vụ thảm sát Columbine hồi năm 1999, cho biết ông đã vô cùng thất vọng nhưng không hề bất ngờ trước những tuyên bố của LaPierre.
"Ông ta không hề quan tâm và hoàn toàn phớt lờ mong muốn có được một sự thay đổi của người dân Mỹ. Sự thay đổi duy nhất mà NRA có thể mang lại là sử dụng nhiều súng hơn", Mauser nói.
Các phát biểu gây tranh cãi của LaPierre đã phần nào cho thấy những khó khăn mà Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ thứ hai. Sau vụ thảm sát hồi thứ 6 tuần trước, Obama đã quyết định bổ nhiệm Phó tổng thống Joe Biden là người đứng đầu một nhóm công tác quốc gia để giải quyết vấn đề này.
Suốt 20 năm qua, NRA luôn là một đối thủ đáng gờm của những người ủng hộ việc cấm sử dụng súng. Bằng cách huy động lực lượng lên tới gần 4 triệu thành viên, cùng sự hỗ trợ của hàng loạt các cuộc vận động hành lang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở Quốc hội, tổ chức này đã thành công trong việc ngăn chặn các nỗ lực nhằm thắt chặt luật sở hữu vũ khí.
Trong bài phát biểu kéo dài nửa giờ ở thủ đô Washington, LaPierre đã đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông, những chính trị gia ủng hộ việc tự do sử dụng súng, hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, những trò chơi và các bộ phim mang tính bạo lực vì đã gây ra vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook.
Ông cũng cảnh báo rằng có "hàng chục, thậm chí là hàng trăm kẻ sát nhân" ở ngoài kia đang sẵn sàng cho một cuộc tấn công khác vào những ngôi trường không được bảo vệ, và cách duy nhất để ngăn chặn một vụ xả súng khác là đưa vũ khí vào trường học.
"Nếu thực sự quan tâm tới những đứa trẻ hơn tiền bạc, hơn những người nổi tiếng, thì chúng ta phải mang đến cho các em một sự bảo vệ ở mức độ cao nhất có thể. An toàn chỉ thực sự có được với sự hiện diện của những người tốt được đào tạo bài bản và trang bị vũ trang", ông nói.
Trong khi nhiều tổ chức thuộc phong trào bảo thủ ở Mỹ bị sáp nhập và suy yếu dần trong hai thập niên vừa qua, thì ảnh hưởng của NRA vẫn không ngừng gia tăng, bất chấp sự thật rằng súng đạn đã khiến 12.000 người Mỹ thiệt mạng mỗi năm.
Tuy nhiên, làn sóng phản đối từ người dân đã phần nào khiến các lãnh đạo của NRA phải chùn bước.
"Tôi không hề cho rằng việc vũ trang cho đội ngũ bảo vệ bên ngoài trường học sẽ có lợi cho môi trường giáo dục", Thống đốc bang New Jersey, thành viên đảng Cộng Hòa, Chris Christie, nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Record.
Trong khi đó, Michael Steele, cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa, nói với MSNBC rằng bài phát biểu của LaPierre "rất đáng lo ngại".
"Tôi không nghĩ rằng các thành viên của NRA muốn thông điệp "Hãy trao súng cho các giáo viên ở trường học" thực sự xảy ra", ông cho biết.
Thống đốc bang New York, Michael Bloomberg, người kêu gọi một cuộc biểu tình nhằm chống lại nạn bạo lực liên quan tới súng đạn, gọi những bình luận của LaPierre là "một sự trốn tránh đáng xấu hổ trước cuộc khủng hoảng mà đất nước của chúng ta đang phải đối mặt. Thay vì đưa ra những giải pháp cho vấn đề mà chính họ đã tiếp tay gây ra, NRA lại mang tới một cơn ảo tưởng đen tối, tồi tệ về một nước Mỹ bạo lực và nguy hiểm hơn, nơi tất cả người dân đều mang vũ khí và không có nơi nào được an toàn."
Daniel Gross, chủ tịch của Chiến dịch Brady nhằm Ngăn chạn Bạo lực Súng ống, nói rằng "những gì được nói ra hôm nay không đại diện cho mong muốn của người dân Mỹ".
Theo Trung tâm Chính sách chống Bạo lực Mỹ, đã có hai nhân viên được vũ trang ở trường trung học Columbine bị giết chết trong vụ thảm sát cùng tên tại bang Colorado hồi năm 1999. Vụ xả súng này đã khiến 15 người thiệt mạng và 24 người khác bị thương.
Hồng Lĩnh (Theo VnExpress)
End of content
Không có tin nào tiếp theo