Xã hội

Hiểu đúng về việc xử phạt xe "chính chủ"

Quy định xử phạt xe chính chủ đang khiến dư luận hết sức quan tâm vì thực tế tình trạng người dân đang sử dụng xe máy nhưng đăng ký xe không phải tên mình rất phổ biến.

Cục CSGT (Bộ Công an) mới đây đã chỉ đạo Phòng CSGT các tỉnh, thành phố tuyên truyền đến người dân và thông báo cho cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên di chuyển mô-tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ, thực hiện đến ngày 31/12/2016, theo tin trên báo Nhân Dân.

Trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng không được để tồn, phải giải quyết trước ngày 1/1/2017. Bắt đầu từ ngày 1/1/2017 trở đi, CSGT sẽ phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ mô-tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô-tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản. 

Quy định này đang khiến dư luận hết sức quan tâm vì thực tế tình trạng người dân đang sử dụng xe máy nhưng đăng ký xe không phải tên mình rất phổ biến. Trước sức nóng về quy định xử phạt xe không chính chủ, Phòng tuyên truyền Cục CSGT đã thông tin chi tiết giúp người dân hiểu đúng vấn đề tránh tâm lý lo lắng không đáng có.

Ảnh minh họa.

Theo Cục CSGT, quy định về xử phạt xe không chính chủ nhằm mục đích bảo đảm việc thực thi pháp luật nghiêm minh. Bởi lẽ, phương tiện giao thông cơ giới là loại động sản đặc biệt được xác định là “nguồn nguy hiểm cao độ” cần phải được quản lý chặt chẽ; Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “xe cơ giới phải được đăng ký, gắn biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp” (Khoản 3 Điều 53 và Khoản 2 Điều 54) và giao Bộ trưởng Công an quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới. Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó (Khoản 2 Điều 439 Bộ luật Dân sự năm 2005), (Điều 450 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Việc quy định xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” không phải là quy định mới, mà đã được quy định từ nhiều năm nay trong các Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hiện nay là Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ vẫn kế thừa. Hành vi này được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Giao thông đường bộ và Thông tư số 15/2014/TT-BCA, ngày 4/4/2014 của Bộ Công an về đăng ký xe.

Cục CSGT khẳng định, lực lượng không được dừng xe đang lưu thông để kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên mà chỉ thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; công tác đăng ký xe và kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm khác (như vi phạm về quy tắc giao thông), nếu có dấu hiệu vi phạm về việc không làm thủ tục đăng ký sang tên thì sẽ thông báo, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ khác có liên quan để xác minh, làm rõ.

Tại địa bàn Hà Nội, một trong các địa phương có lượng xe máy lớn, người dân cũng đang quan tâm đến vấn đề xử phạt xe chính chủ và nhiều người chưa hiểu đúng về quy định này. Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội), CSGT Hà Nội quán triệt chỉ xử phạt xe không chính chủ thông qua điều tra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên hoặc người đó đang làm thủ tục sang tên ở cơ quan chức năng.

“Để xác định xem người chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định hay xe đi mượn, đi thuê, chúng tôi có rất nhiều biện pháp khác nhau như: Lấy lời khai của người điều khiển phương tiện; chủ phương tiện đến làm thủ tục đăng ký xe; thông qua dữ liệu quản lý nghiệp vụ cơ sở dữ liệu về đăng ký xe của lực lượng CSGT; mời người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe lên để làm việc, xác minh, kiểm tra trực tiếp các thông tin, nội dung liên quan; kiểm tra các loại chứng từ, tài liệu, hợp đồng mua bán; thông qua lực lượng công an sở tại nơi người điều khiển phương tiện, người đến làm thủ tục đăng ký xe sinh sống để kiểm tra, xác minh về mối quan hệ gia đình, thân nhân của họ. Ngoài ra, đối với từng vụ việc cụ thể chúng tôi sẽ áp dụng, thực hiện nhiều biện pháp khác theo quy định của ngành và pháp luật để xác minh, làm rõ. Đối với các trường hợp có hành vi gian dối, nói là mượn phương tiện nhưng thực chất là xe của mình nhưng chưa làm thủ tục sang tên sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định” - Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

 

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, việc không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có tên trong giấy đăng ký xe. Vì vậy, người dân cần hiểu, tuân thủ và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, không chỉ để bảo vệ tài sản của mình mà còn có hiểu biết luật, quy định để giám sát người thực thi pháp luật làm đúng; ngăn ngừa phát hiện những hành vi tiêu cực lạm quyền, làm trái quy định.

Cũng liên quan đến vấn đề nay, trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc quy định hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ luật Dân sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) và các quy định khác của pháp luật có liên quan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu phương tiện đó.

Việc quy định xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện hiện nay mới chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và trong công tác đăng ký xe. Khi xe đang tham gia giao thông, lực lượng CSGT không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.

"Tuy nhiên, việc thực hiện quy định nêu trên hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Chính phủ đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền tạo hiệu ứng dư luận xã hội, ủng hộ việc thực hiện chủ trương này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông và tuân thủ quy định của pháp luật", ông Dũng nói.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo