Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị đối tác trả lại hàng do chất lượng không đáp ứng được yêu cầu thị trường, chủ yếu là tiêu thô chiếm tới 85% .
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, tổng khối lượng tiêu xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt khoảng 38.000 tấn với giá trị 342 triệu USD, giảm hơn 23% về khối lượng nhưng tăng 3% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt tới hơn 9.000 USD/tấn, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Mỹ, Singapore và Ấn Độ - 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm chiếm gần 50% thị phần.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, quý I giá xuất khẩu tiêu trên thị trường có xu hướng tăng lên nhưng doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hàng xuất đi bị trả về nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Do, trong năm nay EU bắt đầu siết chặt vấn đề chất lượng hồ tiêu nhập khẩu.
VFA chỉ ra nguyên nhân hồ tiêu xuất hàng bị trả về là do trong quá trình thu hoạch và trữ tiêu, nông dân trữ tiêu và trừ nấm bằng cách sử dụng chất Carbendazim. Không chỉ vậy, tiêu được thu mua qua hệ thống thương lái từ các hộ nhỏ dẫn tới tình trạng tiêu sạch và tiêu bẩn trộn lẫn nhau rồi đem bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu khiến chất lượng tiêu không đảm bảo. Nếu như tình trạng này vẫn tiếp diễn thì thời gian tới xuất khẩu hồ tiêu sẽ gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU.
Theo đó, VPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử một đơn vị tổ chức khảo sát, đánh giá tình trạng sản xuất hồ tiêu hiện nay tại các tỉnh trồng hồ tiêu trọng điểm, bao gồm cả quá trình canh tác, thu hoạch và bảo quản, đặc biệt là vấn đề tồn dư của chất Carbendazim và một số hoá chất trên hồ tiêu để có kết luận rõ về vấn đề này, đưa ra biện pháp giải quyết kịp thời.
Cũng như, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần hỗ trợ hơn nữa công tác khuyến nông trên cây hồ tiêu, đặc biệt là phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo hợp đồng, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GAP hoặc hồ tiêu có chứng nhận 4C, UTZ, RA… Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, đào tạo, chuyển giao thiết bị kỹ thuật cho người trồng hồ tiêu, đặc biệt ở những vùng mới trồng, nông dân còn ít kinh nghiệm, có tập quán canh tác thiếu bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) phải tăng cường tần suất giám sát chất lượng sản phẩm hồ tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, đăc biệt là thị trường EU. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất phương án nâng cấp phòng thí nghiệm nhằm mở rộng phân tích đánh giá chất lượng một số mặt hàng nông sản trong đó có hồ tiêu.
Hoa Kỳ, Singapore, UAE, Ấn Độ, Hà Lan là 5 thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam, chiếm đến 50% tổng xuất khẩu của mặt hàng này. Hạt tiêu Việt Nam, đặc biệt là hạt tiêu đen đang ngày càng được lòng hầu hết các thị trường. Hiện nay, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam chiếm khoảng 30% sản lượng và khoảng 50% khối lượng tiêu xuất khẩu trên thế giới.
T. Hiền (biên tập)