Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần minh bạch, tránh "đi đêm"!
Liên quan đến dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, PV Doanh Nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội để hiểu rõ hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng như thế nào về dự án Luật này.
PV: Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vào ngày 12/6 tới đây. Ông đánh giá như thế nào về dự án Luật này?
Theo tôi, Luật cần quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp, các điều khoản nói về việc hỗ trợ vẫn còn chung chung. Ví dụ: thời gian hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp là trong vòng bao nhiêu năm để những doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể xác định được có khởi nghiệp không.
Bên cạnh đó, Luật cần quy định rõ những bộ ngành tùy từng lĩnh vực sẽ hỗ trợ những gì và hỗ trợ ra làm sao cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong Luật cần ghi rõ lộ trình giảm các thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh để doanh nghiệp biết hướng đầu tư.
PV: Giới doanh nghiệp đang rất kỳ vọng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi nó sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp Việ Nam. Vậy, ông kỳ vọng như thế nào khi Luật được thông qua?
Kỳ vọng nhiều lắm, nhất là thủ tục hành chính phải được giảm hơn nữa. Theo tôi được biết, đến năm 2016, sau Nghị Quyết 35 của Chính phủ thì đã giảm được hơn 50% các loại giấy phép con. Không nên đặt nhiều điều kiện kinh doanh đi kèm bởi boanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực hạn chế.
PV: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội - tổ chức đại diện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội. Là một trong những người lãnh đạo của Hiệp hội, chắc ông sẽ "thấu hiểu" những khó khăn của doanh nghiệp. Vậy, theo ông, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang gặp khó khăn nhất về vấn đề gì?
Theo tôi, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải 3 khó khăn chính.
Thứ nhất là gặp rất nhiều khó khăn về mặt chính sách, cơ chế, các thủ tục hành chính… đang làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, người ta gọi là rủi ro về chính sách.
Thứ hai là nguồn vốn, việc cần tài sản đảm bảo thì các doanh nghiệp nhỏ vừa làm sao đáp ứng được.
Thứ ba là khó khăn về các hoạt động xúc tiến, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia được các chuỗi liên kết mang tính toàn cầu. Các công ty hỗ trợ, phụ trợ của Việt Nam cũng chưa tham gia được các chuỗi giá trị liên kết của các doanh nghiệp FDI, các hoạt động xúc tiến hiện cũng chủ yếu mang tính hình thức chưa tạo được mối hợp tác giữa các doanh nghiệp để tạo nên khối doanh nghiệp vững mạnh.
Ở Việt Nam, việc liên kết giữa các doanh nghiệp còn kém nên nội lực từ các doanh nghiệp, cũng như sức cạnh tranh rất yếu thì khi các doanh nghiệp đa quốc gia khi gia nhập vào Việt Nam, các doanh nghiệp chúng ta dễ bị thôn tính, xé lẻ khiến doanh nghiệp ngày càng yếu đi.
PV: Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay phản ánh đều đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng khi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa ra đời. Vậy theo ông, trong Luật có cần nêu rõ việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và cơ quan nào phải chịu trách nhiệm hay không?
Để nói hỗ trợ về vốn thì phải tính đến yếu tố về mặt pháp lý xem tính pháp lý hiện nay của mình có đụng tới pháp lý quốc tế hay không, bởi người ta rất ít hỗ trợ vốn mà chủ yếu các doanh nghiệp phải tự lực, tự cường hết.
Về đầu mối, hiện nay ngân hàng là những tổ chức tín dụng nhưng họ cũng là doanh nghiệp, họ cũng kinh doanh nên sẽ phương án đảm bảo an toàn về vốn.
Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thúc đẩy hoạt động của các quỹ tín dụng, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thực ra, những quỹ này theo tôi đánh giá là như đang đầu tư mạo hiểm, phải chấp nhận phần rủi ro. Khi đưa ra quỹ mà muốn có lãi hay ít nhất là hòa thì rất khó để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn.
Nếu quy trách nhiệm cho các ngân hàng thì rất khó, bởi họ cũng là doanh nghiệp mà đã là doanh nghiệp thì họ cũng muốn có lãi. Vì vậy, cần sự chỉ đạo từ các cấp làm sao để có mức lãi suất phù hợp, thủ tục vay vốn cần hạn chế, bớt rườm rà.
PV: Vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất 3 tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ vừa là lao động, nguồn vốn và doanh thu. Trong đó có nêu rõ, các doanh nghiệp phải đạt doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Tôi cũng nhất trí về quy định này, bởi doanh thu các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chỉ đến ở mức đó. Hiện nay, tình hình kinh tế đang khó khăn, không như các năm trước thì tôi nghĩ với mức như thế là hợp lý.
PV: Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có ít vốn, sức cạnh tranh còn yếu nên rất “thèm” được hỗ trợ để khởi nghiệp. Theo ông, các doanh nghiệp trong đợi gì ở các quỹ như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ khởi nghiệp sáng tạo?
Theo tôi, vấn đề tiên quyết nhất là điều kiện cho vay, các thủ tục cho vay từ các Quỹ này cần đơn giản và gọn hơn so với các thủ tục của ngân hàng thương mại đặt ra. Nếu điều kiện cho vay còn khó khăn hơn thì người ta tất nhiên sẽ lại phải đi vay ngân hàng.
Hơn nữa, các Quỹ này tôi nghĩ phải chấp nhận rủi ro. Bên cạnh đó, phải có các tổ chức Hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đứng trong Hội đồng Quỹ để đưa ra quyết định đúng đắn bởi cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ hiểu doanh nghiệp hơn.
PV: Nhiều ý kiến lo rằng sẽ có “lợi ích nhóm” của cơ quan hỗ trợ và doanh nghiệp được hỗ trợ vì vậy cần phải minh bạch, công khai việc hỗ trợ doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào?
Tất nhiên là phải minh bạch, công khai việc hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo tôi, việc hỗ trợ phải được đăng công khai trên các trang web của Chính phủ điện tử để nhưng doanh nghiệp cũng như cơ quan hỗ trợ thấy được sự minh bạch.
Tôi nghĩ, nếu việc hỗ trợ chỉ được thực hiện offline, đi cửa sau thì chắc chắn sẽ không tốt cho các chính sách và tất nhiên nhiều doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt vì hiện vẫn đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp "đi đêm" với cơ quan quản lý Nhà nước để được việc và hiện tượng nhờ vả, nhất thân nhì thế.
Xin cám ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo