Pháp luật

Hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp: Dàn trải, chưa đồng bộ

Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng, tạo nên khung pháp lý tương đối đầy đủ cho doanh nghiệp hoạt động, như ban hành Nghị định 66/2008/NĐ-CP (NĐ66) về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến việc tìm hiểu pháp luật, gặp khó khăn trong việc tư vấn pháp luật, tiếp cận với thông tin pháp luật...

 

Cơ chế phối hợp còn hạn nhiều hạn chế



Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo ông Dương Đình Huệ, Vụ trưởng Vụ pháp luật kinh tế - dân sự, Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2011 nhằm đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, Bộ Tư pháp tiến hành khảo sát tại 4 Bộ ( Bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông); 12 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hà Nội...) và 4 tổ chức đại diện cho doanh nghiệp với gần 8 nghìn phiếu gửi tới đối tượng là công chức nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp).



Kết quả cho thấy ở cấp Bộ, chương trình phổ biến các luật và Nghị định hướng dẫn thi hành đạt được chất lượng cao, giúp các doanh nghiệp và người dân nắm vững pháp luật thực hiện.



Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phần lớn các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời là cơ sở pháp lý tạo sự chuyển biến tích cực cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

 

Theo khảo sát, có 42% doanh nghiệp được cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản quy phạm, chính sách pháp luật mới được ban hành; 52% thông tin pháp lý trên các web site của UBND các tỉnh được doanh nghiệp khai thác có hiệu quả.



Song sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn tại địa phương, các Bộ, tổ chức đại diện vẫn còn hạn chế nên các chương trình hỗ trợ pháp lý còn dàn trải, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ. Hơn nữa, công tác giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp cũng bị "vướng” bởi các quy định trong Nghị định 66.

 

Điển hình như theo khoản 6, Điều 10, Nghị định 66 việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đến khi phát sinh khó khăn, tranh chấp doanh nghiệp mới hỏi về các quy định của pháp luật và cách thức giải quyết.



Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của doanh nghiệp còn hạn chế. Theo khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ( PCI) của VCCI trong vòng 6 năm qua, thì một trong những chỉ số có điểm số thấp nhất là chỉ số minh bạch.

 

Các doanh nghiệp cho rằng khả năng tiếp cận tới các thông tin pháp lý còn hạn chế. Năm 2010, có tới 78% số doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ với các cơ quan nhà nước để tiếp cận các thông tin kinh doanh nói chung và thông tin pháp luật nói riêng.

 

Kết quả, năm 2011 vấn đề minh bạch thông tin pháp luật và tuyên truyền pháp luật ở 14 Bộ chỉ đạt ở mức trung bình so với nhu cầu của các doanh nghiệp.



Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận luật



Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Anh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, với số lượng lớn, liên tục sửa đổi, bổ sung nên việc phổ biến cần phải thực hiện thường xuyên.

 

Trong khi đó, hiện nay Bộ Công thương chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm.



Đồng tình với quan điểm ông Sơn, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng; hệ thống pháp luật còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật.

 

Hơn nữa, nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao.

 

Do đó, khi phát sinh vướng mắc, doanh nghiệp chưa nhận thức được quyền lợi của mình trong việc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ pháp lý, cũng như chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để giải quyết các tình huống pháp lý, vì vậy cần "hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hạn chế tối đa sự chồng chéo và giảm khó khăn cho quá trình áp dụng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật”- Ông Tuấn kiến nghị.



Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Đinh Việt Thanh, Trưởng ban Pháp chế May 10 kiến nghị, trên thực tế nhiều doanh nghiệp bị "trói” bởi không ít quy định của luật. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo các doanh nghiệp trong việc tiếp cận luật.

 

Theo Khanh Lê (ĐĐK)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo