Môi trường

Hòa Bình: Vừa làm đường vừa phá môi trường?

Khi thi công tuyến đường tỉnh lộ 433 từ km0 vào km 23 tính từ TP Hòa Bình vào TT Đà Bắc, nhà thầu là Ban chỉ huy công trình trực thuộc Tổng công ty (TCT) Đầu tư xây dựng thương mại Miền Trung (trụ sở tại Thanh Hóa) làm thi công chính. Điều lạ, nhà thầu này đã ngang nhiên đổ đất thải xuống ven dòng suối chạy cạnh tỉnh lộ 433 gây bất bình cho nhiều người dân. Vậy, ai đã bật “đèn xanh” cho doanh nghiệp này làm liều, phá hoại môi trường?.

 

Vừa làm vừa phá?

 

Qua điều tra và tìm hiểu, chúng tôi được biết: nguyên do của nạn ô nhiễm nguồn nước của dòng suối chảy từ Đà Bắc về TP Hòa Bình rồi nhập ra dòng sông Đà, cũng như đất đá tràn về hạ lưu chủ yếu là do nhà thầu thi công ở đoạn trên, từ km5 đến km12 đoạn đường Hòa Bình – Đà Bắc.

 

Máy móc, xúc dọn đất, đá, hạ cấp tả luy

 

Để nắn đường lộ 433, TCT Đầu tư xây dựng thương mại Miền Trung đã sử dụng nhiều máy móc để xúc, gạt, san lấp, hạ độ cao, giật cấp tả luy của con đường. Hàng trăm ngàn m2 đất đá đã được xúc dỡ xuống. Tuy nhiên, thay vì chở đi đâu đó thì nhà thầu lại cứ ven đường mà thải. Chính vì thi công kiểu tiện thể đó mà đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Dòng suối trong vắt về mùa khô đã bị cạn trơ khấc, ảnh hưởng nghiêm trọng. Bùn đất bừa bãi do mưa lũ kéo xuống. Điều lạ, doanh nghiệp này thi công đến cả năm trời mà không thấy cơ quan chức năng nào “sờ gáy”, đất đá cứ thế dồn, đổ xuống, thách thức pháp luật.

 

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Sỹ, nhà ở xóm Đông Lạnh, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình bất bình cho biết: Từ ngày Sở Giao thông vận tải Hòa Bình cho thi công tuyến đường tỉnh lộ 433, chả hiểu nhà thầu làm ăn kiểu gì mà đất đá cứ nhằm khe, rãnh ven suối mà đổ. Hậu quả, cứ trời mưa là đất đá ồ ạt tràn về. Dòng suối trong bỗng chốc đỏ quạch, tôm cá chết hết, đất đá bồi lên, khiến đời sống nhân dân thêm khó. Nhiều đồng bào dân tộc không dám dùng nước suối nữa. Giờ dòng suối này thành dòng suối “chết”.

 

Ngổn ngang xe, máy tập kết

 

Còn anh Trần Văn Nam, một người dân khác “tố”, cái hồ chứa nước phía dưới, ngay khu chuyên gia giờ đã bị đất trôi xuống, bồi lấp đầy cả hồ. Nguyên do cũng là do đất đá từ đầu nguồn kéo về. Giờ hồ đập tràn đầy bùn thì chứa làm sao được nước nữa. Anh Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm của nhà thầu cũng như việc đổ đất ven suối, gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy của suối trước khi quá muộn. Anh Nam đề nghị.  

 

Trách nhiệm thuộc về ai?

 

Được biết: Dự án nâng cấp cải tạo tỉnh lộ 433 được triển khai khoảng 2 năm nay, giải ngân hàng trăm tỷ đồng. Trước mắt, sẽ thi công một mạch 23 km. Điều lạ chỉ độc có một nhà thầu là TCT Đầu tư xây dựng thương mại Miền Trung trúng thầu và thi công tuyến này, và cũng nhanh chóng được giải ngân. 

 

Dòng suối đã bị thu hẹp lại

 

Rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với ông Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở Giao thông vận tait tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, lấy lý do bận họp, ông Thắng cúp máy, sau đó nhắn tin lại bảo liên hệ với Ban Quản lý dự án. Sau đó, phóng viên lại gọi điện thoại đến một vị lãnh đạo khác của Sở Giao thông vận tải thì ông này thản nhiên cho biết: “Đúng là lúc trước, mình phụ trách dự án, nhưng giờ đã luân chuyển cán bộ sang UBND tỉnh làm nhiệm vụ khác rồi nên “chả liên quan nữa”.  Phóng viên đến làm việc với nhà thầu thì với lý do chỉ biết làm theo chỉ đạo, đơn vị thi công cũng lảng tránh, lòng vòng...

 

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm. Ai là người chỉ đạo cho đổ đất đá thải xuống ven suối, gây ô nhiễm môi trường?. Báo Tài nguyên & Môi trường online sẽ thông tin tiếp sự việc.

Theo báo Tài nguyên và Môi trường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo