Thị trường

Hóa điên vì vỡ mộng làm giàu

Nhìn Tuấn tha thẩn quanh sân viện tâm thần, người thân không khỏi xót xa khi cách đây chỉ một năm anh được coi là đại gia với nhà lầu, xe xịn.

Tốt nghiệp Đại học kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Tuấn vào làm ở một công ty tư nhân và bắt đầu tập tành chơi chứng khoán đúng thời điểm thị trường đang lên. Trúng đậm vài quả, Tuấn tiếp tục hùn vốn với mấy người bạn đầu tư vào bất động sản và cũng thu lãi lớn. Chỉ trong 4 năm, Tuấn đã tậu được xe hơi xịn, nhà to và cưới một cô vợ xinh đẹp.

 

Giữa năm ngoái, Tuấn dồn tiền và vay mượn thêm để dốc vào một dự án xây văn phòng cho thuê. Anh tính toán, đợi thời điểm thị trường lên, bán số cổ phiếu đang có và xoay vòng tới khi khu nhà đi vào hoạt động thì về sau chỉ việc ngồi chơi đếm tiền. Thế nhưng, khi công trình đang dang dở thì thị trường xuống đáy, số cổ phiếu của anh chẳng thu lại được bao nhiêu. Một số người thân, quen từng được Tuấn mua hộ cũng lỗ nặng. Nhiều người tìm tới Tuấn đòi tiền.

 

Công trình không có vốn làm tiếp, khoản nợ hơn7 tỉ mà không biết xoay đâu để trả, người đàn ông 33 tuổi đóng cửa nằm nhà suốt một tuần. Thời gian sau, Tuấn bỗng trở nên thơ thẩn, lúc cười, lúc khóc, khi thì nói không ngừng, liên tục khoa chân múa tay, gặp ai cũng khoe mình giàu sang, giỏi giang... Cuối cùng, gia đình đành phải đưa anh vào bệnh viện tâm thần.

 

Nghèo khó hết hơn nửa đời người, năm 2006, bà Hiên (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) bỗng có trong tay một số tiền lớn nhờ được đền bù mảnh đất nằm trong quy hoạch làm khu đô thị. Dù vậy, "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống" nên chẳng mấy chốc vợ chồng bà và 4 người con đã tiêu gần hết vào việc làm nhà, mua xe, sắm sửa đồ đạc, ăn tiêu...

 

Năm ngoái, khi đất Ba Vì lên cơn sốt, bà Hiên nghe lời rủ của bạn, vay thêm tiền của người làng rồi tìm lên vùng đồi núi mua đầu tư, hy vọng "thả con săn sắt, bắt con cá rô". Không ngờ, chỉ mấy tháng sau, cơn sốt đất hạ nhiệt, số tiền tỉ bà vay đã đến kỳ phải trả trong khi số đất đã mua đắp chiếu không bán được.

 

Những người cho bà Hiên vay tiền dồn dập tới đòi nợ, lấy hết những đồ có giá trị trong nhà, bắt bà giao sổ đỏ. Người đàn bà 51 cuống cuồng tìm cách xoay sở rồi trốn biệt tăm. Một thời gian sau, bà quay lại làng với thân hình tàn tạ, ngày ngày lang thang khắp xóm trên thôn dưới, thỉnh thoảng lại hát hò ầm ĩ, có khi tỏ ra tỉnh táo, gặp ai là kéo vào kể chuyện mình là "chúa đất" với đầy tiền, vàng cất ở nơi bí mật.

 

Tiến sĩ Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, phá sản, vỡ nợ là một cú sốc tác động mạnh đến tâm lý những người làm ăn. Thế nhưng, nó thường không đánh gục các nhà kinh doanh lớn, lâu năm mà dễ khiến những người mới phất hay "tay ngang" trên thương trường phải trả giá đắt. Không ít người trong số này đã phải đi điều trị tâm thần sau stress do phá sản.

 

Một bác sĩ ở Trung tâm sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, thực tế, bình thường các nhà kinh doanh đã phải quen đương đầu với những căng thẳng, lo lắng trong quá trình làm việc, tính toán. Họ cũng là những người có đầu óc tỉnh táo, biết cân bằng và nhìn xa nên không dễ bị sang chấn. Còn những người lên nhanh nhờ gặp may hay muốn giàu nhanh chóng mà “làm liều” khi bị mất số tài sản quá lớn sẽ rất dễ sốc.

 

Theo bác sĩ Bùi Quang Huy, một người loạn thần do cú sốc về kinh tế phải hội tụ hai yếu tố: Bị mất mát rất nhiều tài sản một cách đột ngột; Sau stress có rối loạn tâm thần (mất ngủ, khóc lóc, lẩm bẩm, nói kiểu hối tiếc, nói quá nhiều về nội dung phá sản, hay mơ cảnh bị phá mất tiền, đòi nợ...). Bên cạnh đó, ông cho biết, cũng có một số trường hợp phá sản bị gia đình ép vào khoa tâm thần điều trị để trốn nợ.

 

Bác sĩ cho rằng, một số bệnh nhân tâm thần do phá sản vốn có bệnh sẵn trong người, khi có một tác động từ ngoại cảnh là phát ra. Một số người hoang tưởng cho rằng mình tài giỏi, có khả năng phán đoán, biết trước thời cơ và lao vào đầu tư theo cảm tính, thậm chí lôi theo cả người thân vào cuộc, và vỡ nợ là điều có thể thấy trước.

 

Ông cho biết, loạn thần do chấn thương tâm lý về cú sốc phá sản thường không kéo dài 30 ngày và sẽ tự hết. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, nhiều người có thể sinh cơn trầm cảm hoặc hưng cảm, có ý định tự tử hay những hành vi bất thường, gây hại cho bản thân và người khác, nên gia đình cần sớm đưa họ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị

 

Theo VnExpress

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo