Thị trường

Hoa Kỳ tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường điện cạnh tranh

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam giữa Cục Điều tiết điện lực Việt Nam thuộc Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và Vụ Năng lượng và Tài nguyên thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ENR) đã diễn chiều nay (7/5) tại Hà Nội.
Tại buổi lễ, Đại sứ Warlick, Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất của ENR đã ký Biên bản ghi nhớ này với Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn dưới sự chứng kiến của Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Pierangelo và Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú .
 
Theo nội dung của biên bản ghi nhớ, phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu phát triển thị trường điện tại Việt Nam trên cơ sở bảo tồn, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng hiệu quả và bền vững; xây dựng một thị trường điện cạnh tranh toàn diện, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát và truyền tải điện, giảm giá thành điện năng; thúc đẩy cải tiến công nghệ sạch hơn, nhất là nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, việc ký kết bản ghi nhớ sẽ hướng hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ tới mục tiêu chung là phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Thị trường phát điện cạnh tranh ở Việt Nam đã được vận hành trong nhiều năm qua. Tuy nhiên để chuyển tiếp sang thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo không phải dễ dàng, và Việt Nam cần nhiều giải pháp để đưa thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo vào năm 2020. 
 
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh theo từng giai đoạn. Theo lộ trình, từ năm 2010, đã cho phép nhiều nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau tham gia thị trường điện. Từ năm 2011-2014, thực hiện phát triển thị trường phát điện cạnh tranh; giai đoạn 2015-2020 thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sau 2021 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tính đến hết năm 2014, có 55 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện, tăng 14,5% so với năm 2013. Dự kiến trong năm 2015, sẽ có 77 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện.
 
"Hiện tại, Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của thị trường điện cạnh tranh nên vẫn còn thiếu kinh nghiệm và nhân lực phục vụ cho công tác vận hành, do vậy, rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ... để có sự chuẩn bị tốt nhất cho phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam", ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
 
Đại sứ Warlick - Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất của ENR ký và giao Biên bản ghi nhớ cho Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn.
 
Nhấn mạnh tầm quan trọng của bản ghi nhớ về hỗ trợ kỹ thuật này, Đại sứ Warlick - Phó trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất của ENR cho rằng, việc hình thành một thị trường điện cạnh tranh sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát và truyền tải điện, giảm giá thành điện năng, thúc đẩy cải tiến công nghệ sạch hơn và khuyến khích việc bảo tồn nguồn tài nguyên tại Việt Nam.
 
Cũng theo bà Warlick, việc ký kết biên bản ghi nhớ này là một trong hàng loạt các thỏa thuận hỗ trợ của Hoa Kỳ nhằm phát triển lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ song phương nhân kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
 
Phát biểu kết luận tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã đánh giá cao đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc trước sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ nói chung và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói riêng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực năng lượng và mong rằng mối quan hệ này càng thắt chặt hơn nữa. Thứ trưởng cũng tin tưởng rằng hai đơn vị thực hiện là Vụ Năng lượng và Tài nguyên (ENR) và Cục Điều tiết Điện lực (MOIT) sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện thành công dự án.
 
 
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo