Môi trường

Hoa màu chết vì nước thuỷ lợi ô nhiễm

Khoảng 9.000ha hoa màu và cây trồng tại TP. Hồ Chí Minh đang bị đe doạ bởi nước hệ thống thuỷ lợi bị nhiễm bẩn từ các nhà máy xả thải. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý lại mang tính tình thế.

Nhiều tuần qua, công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi thành phố (gọi tắt là công ty Thuỷ lợi) đã gửi văn bản tới nhiều ban ngành kêu cứu về tình trạng nguồn nước cung cấp cho hệ thống thuỷ lợi ô nhiễm.

 

Đen như kênh Tham Lương

 

Theo công ty Thuỷ lợi, từ tháng 1 đến tháng 3 vừa qua, nguồn nước trên kênh Thầy Cai (đoạn từ kênh An Hạ đến kênh TC2–12), kênh An Hạ (đoạn từ cầu An Hạ đến kênh AH8) và rạch Tra (từ cầu Xáng đến cầu An Hạ) thường xuyên xuất hiện những đợt nước có màu đen, bốc mùi hôi thối.

 

Thực trạng trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng cháy rừng mùa khô năm nay. Ông Đoàn Văn Hùng, trưởng phòng thuỷ nông công ty Thuỷ lợi cho biết, hiện nay hệ thống thuỷ lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh – nơi bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm – đang phục vụ tưới tiêu cho hơn 9.000ha hoa màu, cây trồng của thành phố.

 

Người dân sinh sống xung quanh những khu vực trên cho hay, nước đen hôi thối không khác gì kênh Tham Lương. Ông D.V.T ở ấp Mỹ Khánh A (xã Thới Mỹ, huyện Củ Chi) bức xúc: “Hơn 0,4ha mãng cầu, tràm của gia đình tôi đã chết khá nhiều do nước đen từ kênh Thầy Cai tràn vào. Ngoài ra, cá nuôi trong ao cũng chết không ít”. Nhiều người dân ở đây còn cho hay, do nước mặt ô nhiễm làm bẩn nguồn nước ngầm và nước giếng khoan cấp nước cho dân cũng đen ngòm khiến không ai dám xài.



Điểm ô nhiễm trọng điểm

Khu vực Thầy Cai – An Hạ – Cần Giuộc (giáp Long An) là một trong những điểm ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong chương trình giám sát đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đến nay, theo chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, chất lượng nước tại đây vẫn ô nhiễm nặng: hàm lượng oxy hoà tan DO thấp hơn quy chuẩn từ 1,2 đến 23,5 lần; coliform vượt quy chuẩn từ 1,8 đến 64 lần...

 

Người dân ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) cũng bức xúc cho hay, nguồn nước đi qua khu vực này bốc mùi hôi thối, vừa ảnh hưởng tới sức khoẻ vừa không thể dùng tưới tiêu cho cây trồng.

 

Bó tay

 

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Đoàn Văn Hùng nói thời gian qua công ty đã tăng cường quản lý hệ thống thuỷ lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh và vận hành nhiều công trình để ngăn nguồn nước ô nhiễm.

 

“Có tháng phải đóng, mở cống điều tiết chặn nước bẩn từ ngoài vào hoặc đẩy nước bẩn từ trong hệ thống thuỷ lợi ra đến trên dưới mười lần, mỗi lần kéo dài 2 – 3 ngày. Tuy nhiên, nhiều khi không thể kéo dài tình trạng đóng cống quá lâu, phải chấp nhận nước bị ảnh hưởng ô nhiễm vì nhu cầu nước tưới tiêu cho bà con”, ông Hùng nói.

 

Công ty Thuỷ lợi cho rằng, thủ phạm gây ô nhiễm cho hệ thống thuỷ lợi không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà cả ở Long An, Tây Ninh. Tuy nhiên, việc xử lý chẳng tới đâu dù văn bản kêu cứu đã được gửi đi nhiều nơi.

 

Tại buổi họp với sở Tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh mới đây, bà Nguyễn Thị Dụ, chánh thanh tra sở này cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, nhưng chỉ có thể khoanh vùng trọng điểm những doanh nghiệp trong diện bị tình nghi, vì vậy nhờ công ty tiếp tục theo dõi chỉ điểm thêm (!?). Cũng theo bà Dụ, việc phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh khác sẽ rất khó vì thường chậm, không kịp thời.

 

Theo các chuyên viên trong ngành, để xử lý triệt để tình trạng xả thải nước ô nhiễm hiện nay, thành phố cần có kế hoạch kiểm tra chung trên toàn địa bàn các quận huyện đang bị ô nhiễm nặng. Đồng thời thành phố cũng cần phối hợp với các tỉnh lân cận để ngăn chặn ô nhiễm đổ về.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo