Hoa quả độc, lạ chưa ai đăng ký bản quyền
Sản xuất chỉ mang tính chất nhất thời điểm, thiếu thông tin thị trường cũng như sự liên kết khiến nông dân phải ngậm đắng nuốt cay đổ bỏ hàng hóa, nông sản là một thực tế đáng buồn của nông nghiệp nước ta hiện nay.
Trước thực trạng nhiều loại nông sản, hàng hóa bị đổ bỏ, ế ẩm phải bán giá rẻ làm cho người nông dân quanh năm đầu tắp mặt tối vẫn phải chịu thua lỗ nặng. Phóng viên báo Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong về vấn đề này.
Thưa ông, những năm gần đây người nông dân có xu hướng sản xuất, kinh doanh những sản phẩm độc lạ như dưa hấu khổng lồ, dưa hình thỏi vàng, bưởi hồ lô.. ông nghĩ sao về phong trào này?
Điều này cho thấy mặt tích cực ở việc người nông dân nắm bắt nhanh nhạy, đáp ứng được nhu cầu thị trường, biết thay đổi các mặt hàng kinh doanh, cây trồng cũng như thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt trong bối cảnh hiện nay và nếu thành công thì tốt.
Nhưng mặt trái của nó tiềm ẩn rủi ro cao hơn, người tiêu dùng nước ta có hai luồng xu hướng, ưa dùng đồ cổ truyền như hoa đào, mai, người trẻ thì chuộng độc, lạ.
Tuy nhiên, người sản xuất kinh doanh nên hiểu những sản phẩm độc lạ chỉ mang tính chất tham dò thời điểm, nên sản xuất ít còn xu hướng chung sản xuất hàng nông sản truyền thống vẫn thắng thế để đáp ứng nhu cầu đại đa số mới bền vững. Không nên vì lợi nhuận mà trồng ồ ạt mà đem lại rủi ro cao vì xu hướng đồ độc lạ thay đổi rất nhanh.
Cũng không nên tuyệt đối hóa việc trồng sản phẩm nông nghiệp theo xu hướng độc lạ mang rủi ro cao mà lại không phát triển thêm nữa, vẫn phải coi đây là xu hướng đấy mang tính chất tìm kiếm, thăm dò, thậm chí khai phá.
Để trồng một quả bưởi độc đáo phải mất rất nhiều công sức, mày mò cách làm, dưa hấu khổng lồ chỉ để trưng bày, người trồng hoa thì đổ bỏ do ế ẩm dẫn đến thua lỗ, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Thực tế, nhiều loại nông sản chỉ để trưng bày nhưng không ăn được, chất lượng không ổn định do công nghệ trồng trọt không chuẩn, giống đưa vào không tốt và do bị những biến dị. Lúc đầu được giá sau rớt giá do thương lái bỏ của chạy lấy người, thậm chí họ mua vét theo kiểu phá hoại như đã được cảnh báo nhiều.
Còn một số loại dưa cảnh không ăn được là do dùng nhiều hóa chất, chất kích thích, chất tăng trọng để biến những loại quả theo hình mẫu, kích thước lớn, mục đích sản xuất ra chủ yếu là để trưng bày nên cũng rất lãng phí và tốn kém, không nên khuyến khích trồng.
Có thể ban đầu sản phẩm được bán ra vài trăm ngàn cho đến tiền triệu, nhưng về lâu dài chất lượng sản phẩm không cao thì người tiêu dùng không còn mặn mà nữa.
Theo xu thế thị trường ban đầu sản phẩm độc và đắt, ít người làm được, đem lại lợi nhuận cao nhưng sau đấy thì nhiều người làm theo để cạnh tranh. Đúng ra sản phẩm như vậy là phải đăng ký bản quyền, ai làm sai vi phạm sẽ có chế tài xử lý nhưng ở nước ta về vấn đề này vẫn lỏng lẻo.
Như vậy, người tiêu dùng không còn mặn mà, còn người người nông dân vẫn trồng ồ ạt theo mùa dẫn đến phải đổ bỏ nông sản?
Do việc xác lập sản phẩm thị trường truyền thống chưa ổn định cũng như người dân thiếu định hướng, không có sự phân tích, nhận định, đánh giá. Thấy người ta làm được thì mình làm theo chứ không quan sát nhu cầu thị trường.
Đặc biệt là không có công nghệ chế biến và đầu ra ổn định cho nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trên thực tế rủi ro nhiều hơn và thậm chí có cả vùng không có đầu ra đành phải chặt bỏ, đây là điệp khúc buồn của nông nghiệp nước ta từ trước đến nay.
Nhiều khi còn do bàn tay phá hoại của một số thương nhân nước ngoài, người có ý đồ không tốt họ muốn phá hoại sản xuất kinh doanh của đất nước, địa phương. Vì một lý do nào đấy như đặt hàng theo kiểu lo lửng rồi bỏ của chạy lấy người, người nông dân rất thật thà không hợp đồng, không tính tới chuyện xảy ra như vậy.
Bên cạnh đó, các loại hoa sau tết bị nhổ bỏ do nhu cầu sau tết không cao cũng như không tạo ra được những giống hoa mới, các loại giống mới và chất lượng sản phẩm hoa chưa phong phú. Muốn tạo ra giống mới phải có cơ sở nghiên cứu, hoạt động có chuyên môn, thường là các nghệ nhân mới tạo được hoặc nhập khẩu giống về.
Người nông dân nước ta mạnh ở việc là trồng được đại trà, nhân được giống nhưng khâu yếu là không tạo ra được giống mới chất lượng, người nông dân thiếu cả về tổ chức lẫn thương trường, về kỹ thuật cho nên chỉ nhìn nhau mà làm.
Việc chạy theo trồng cây độc lạ, mất nhiều thời gian chi phí, sau lại đổ bỏ đi là bài học về việc trồng theo phong trào, không cân nhắc.
Phải chăng, người nông dân phải chủ động tìm hiểu thị trường rồi mới trồng thay vì trồng ồ ạt nhưng không có định hướng. Nhưng trên thực tế nông dân đang rất thiếu thông tin về thị trường?
Nông dân chỉ nhắm mắt mà làm theo nhau, mặt khác các cơ quan Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, chính quyền địa phương, hiệp hội cũng không có những thông tin định hướng, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu. Việc nắm bắt, đánh giá, thông tin về thị trường nên giao cho hiệp hội, khuyến nông và nhà nước nghiên cứu, định hướng thị trường giống, quy trình công nghệ và các tiêu chuẩn kỹ thuật có tổ chức, hệ thống thông tin cho người dân biết.
Trong ban chỉ đạo tái cơ cấu cây trồng địa phương khi nắm bắt được xu hướng đáng lẽ ra là phải tổ chức nghiên cứu đánh giá, hướng dẫn bà con. Đây là sự bất cập trong quản lý nhà nước không chặt chẽ, đặc biệt là bộ phận khuyến nông phải có những nhận định, đánh giá, nghiên cứu về mặt thổ nhưỡng, môi trường, nhu cầu, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản.
Còn người nông dân cô gắng liên kết với hiệp hội, doanh nghiệp để sản xuất đơn đặt hàng, được bao tiêu đầu ra, cung ứng đầu vào để đảm bảo quy trình chất lượng.
Đồng thời, các Bộ ngành, địa phương phải có chính sách, kinh phí hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến tương xứng với sản phẩm, hình thành vùng nguyên liệu tập chung, đảm bảo ổn định đầu ra và tăng giá trị của sản phẩm.
Mặt khác, người nông dân cũng phải tự quan tâm đến thị trường, tìm kiếm thông tin chứ đã qua thời kỳ nhắm mắt làm theo phong trào như vậy chỉ tự lao vào vòng luẩn quẩn.
Tránh hiện tượng được mùa rớt giá, điều đó rất quan trong, người nông dân tuyệt đối không nên nhìn nhau mà cả tin, nhất là các thương lái nước ngoài mà bỏ, chạy theo lợi nhuận.
Theo ông, để sản phẩm nông nghiệp độc lạ không chỉ phát triển ở thị trường trong nước mà còn có cơ hội tiếp cận với thị trường xuất khẩu thì cần phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Không phải tất cả sản phẩm đều có thể tiếp cận được với thị trường xuất khẩu. Sản phẩm độc lạ thường gắn liền với văn hóa địa phương, vùng miền, thời điểm nên đối với nước ngoài thì họ không chạy theo, nên không dùng để xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu sang nước ngoài là các mặt hàng ổn định về chất lượng, quy cách mẫu mã tuân theo tiêu chuẩn nhập khẩu.
Bên cạnh đó, sản phẩm phải nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, hình dáng mẫu mã, màu sắc, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Chỉ khi đáp ứng được tiêu chuẩn như vậy thì mới được xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!
Trần Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Cột tin quảng cáo